Trong tuần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với 4 Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XV.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), sau chất vấn, cần giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ, làm căn cứ để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn.
PV:Thưa ông trong tuần này Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với 4 Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ. Ông đánh giá như thế nào về việc lựa chọn 4 vị Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn lần này?
Ông Phạm Văn Hòa: Từ 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ, lần này Quốc hội chọn 4 Bộ trưởng để trả lời chất vấn. Lần này, chất vấn sẽ khá thú vị và hợp lý khi Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đều là những người mới. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là những người đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội tại nhiệm kỳ trước.
Theo tôi, lựa chọn 4 vị Bộ trưởng lần này trả lời chất vấn đều tập trung vào những về “nóng”. Đơn cử như dịch Covid-19 đã diễn ra 2 năm, có nhiều vấn đề đặt ra cần phải chất vấn. Từ công tác phòng, chống dịch; việc mua sắm trang thiết bị y tế; phong tỏa, cách ly; cho đến xét nghiệm đều là những vấn đề cần Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người dân đã bị mất việc làm, trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, các gói hỗ trợ… là những vấn đề cần được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm rõ. Hay giáo dục là vấn đề luôn “nóng” và năm nào cũng có thể chất vấn được. Song lần này có điểm mới là việc học trực tuyến trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch. Nhưng bức xúc nhất có lẽ vẫn là vấn đề sách giáo khoa, học sinh tiểu học “còng lưng” cõng cặp… Đó là những vấn đề cần có giải pháp của tư lệnh ngành giáo dục.
Lần này chúng ta vẫn áp dụng chất vấn theo hình thức “hỏi 1 phút, trả lời 3 phút”. Đã từng có ý kiến cho rằng, thời gian trả lời 3 phút là quá ngắn để các bộ trưởng làm rõ được các vấn đề?
- Đây là hình thức “hỏi nhanh - đáp gọn”. Theo tôi thời gian trả lời 3 phút dành cho bộ trưởng là đủ. Nếu để thời gian 5 phút sẽ không có thời gian cho các đại biểu khác hỏi. Cho nên việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội về việc “hỏi 1 phút, trả lời 3 phút” áp dụng từ khóa trước và khóa này vẫn tiếp tục duy trì là hợp lý. Như thế nhiều ĐBQH sẽ được tiến hành chất vấn đối với các bộ trưởng. Và các ĐBQH cần hỏi vào những vấn đề, nội dung được chất vấn lần này để các bộ trưởng trả lời đúng, trúng vấn đề.
Chất vấn cũng là một trong những hình thức giám sát. Đã giám sát thì phải đi đến tận cùng vấn đề. Cho nên các ĐBQH cần suy nghĩ câu hỏi “để hỏi” chứ không phải “hỏi cho có”. Khi thấy bộ trưởng trả lời chưa thỏa mãn, ĐBQH phải tiến hành truy vấn tới cùng. Như thế phiên chất vấn mới sôi động và “nóng” hội trường. Nếu bộ trưởng trả lời “chưa trúng” mà người hỏi cũng cũng “cho qua” thì không nên. Đó là trách nhiệm của từng ĐBQH. Bởi chất vấn và trả lời chất vấn chính là một trong những hình thức giám sát để cử tri nghe và theo dõi.
Nhưng quan trọng nhất chính là giám sát phần trả lời chất vấn, lời hứa của các bộ trưởng để tránh việc có những vấn đề kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác vẫn chưa được giải quyết?
- Giám sát sau chất vấn là cực kỳ quan trọng. Cho nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần theo dõi và chỉ đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn ĐBQH giám sát. Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội bởi họ hoạt động độc lập. Còn đoàn ĐBQH vẫn lệ thuộc vào địa phương. Trong giám sát, hay hậu giám sát thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức sẽ tốt hơn.
Đối với những bộ trưởng không thực hiện đúng lời hứa, có lẽ chúng ta cần lưu ý để đánh giá khi Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, thưa ông?
-Điều đó là hợp lý. Tuy nhiên trong một nhiệm kỳ, Quốc hội chỉ bỏ phiếu 1 lần. Nên chăng trong một nhiệm kỳ cần bỏ phiếu 2 lần. 1 lần vào thời điểm giữa nhiệm kỳ, 1 lần vào cuối nhiệm kỳ. Bởi thời điểm cuối nhiệm kỳ chính là thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng. Có nhiều người sẽ nằm trong diện nhân sự tái cử của nhiệm kỳ tới. Nếu một nhiệm kỳ Quốc hội mà lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm 2 lần sẽ mở ra nhiều thứ và phát huy được vai trò của mỗi ĐBQH trong đánh giá đối với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Trân trọng cảm ơn ông!