Trao đổi với ĐĐK, ông Đỗ Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định quy trình trách nhiệm và hiệu lực pháp lý của các hoạt động giám sát. Đồng thời cần nâng cao năng lực giám sát của các đại biểu dân cử.
Ông Đỗ Mạnh Hùng.
Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là rất quan trọng. Tuy nhiên, làm sao để hoạt động giám sát đạt được kết quả thiết thực là vấn đề đang được đặt ra.
PV:Lâu nay nhiều cử tri băn khoăn về vấn đề hậu giám sát khi kết quả giám sát không nêu ra được những địa chỉ cụ thể để quy rõ trách nhiệm, rồi việc theo dõi việc thực hiện kết quả giám sát ra sao. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Hậu giám sát chính là vấn đề mà nhiều ĐBQH cũng như cử tri quan tâm. Trên thực tế QH cũng có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của giám sát. Nhiều hoạt động giám sát của QH sau đó đã có nghị quyết. Và đó chính là hậu giám sát.
Ví dụ trong giảm nghèo, QH không chỉ giám sát chung, giám sát có tính chất vĩ mô mà sau khi giám sát QH đã ban hành nghị quyết, trong đó nói những nội dung rất cụ thể như chuyển chuẩn nghèo của chúng ta từ chuẩn đơn chiều sang chuẩn đa chiều, và giao cho Chính phủ thực hiện ngay trong năm 2015, hay giao cho Chính phủ rà soát lại hệ thống văn bản chính sách về giảm nghèo để sắp xếp lại tránh giàn trải, chồng chéo thì Chính phủ đã thực hiện.
Đó chính là hiệu lực hiệu quả của giám sát. Tuy nhiên đúng là có nhiều giám sát nhất là những giám sát chuyên đề rồi giám sát ở các địa phương hiệu lực hiệu quả giám sát còn hạn chế.
Vậy theo ông Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND sẽ được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới có giải quyết được vấn đề này không?
- Luật đã quy định cụ thể kể cả về nội dung giám sát, đối tượng giám sát, và nhất là quy trình. Trong đó có cả những quy trình cụ thể như quy trình về xem xét báo cáo, quy trình về chất vấn, rồi việc ban hành các văn bản sau giám sát. Như vậy là từ ý kiến của người dân, ý kiến của đại biểu dân cử sẽ là những vấn đề cần được bổ sung hoàn thiện để từng bước quy định cho chặt chẽ hơn.
ĐBQH là người đi giám sát thực tế, từ đó phát hiện ra những bất cập để kiến nghị với QH có cơ chế chính sách cho phù hợp. Vậy cần trao thêm những quyền nào cho ĐBQH để nâng cao hiệu quả hiệu lực, thực hiện tốt vai trò giám sát của mình?
- Luật cũng đã quy định khá rõ thẩm quyền của từng chủ thể giám sát. Nhưng cũng phải quy định rõ hơn một số trường hợp. Ví dụ đoàn ĐBQH ở một tỉnh A có thể giám sát ở ngoài địa bàn nơi mình ứng cử hay không? Các quy định pháp luật khác đã có việc này. Thí dụ quy định chung thì ĐBQH không chỉ đại diện cho cử tri nơi mình ứng cử mà còn đại diện cho cử tri cả nước.
Như vậy những vấn đề mà cử tri cả nước nêu kiến nghị thì ĐBQH không được phân biệt cử tri nơi mình ứng cử hay cử tri ở địa bàn khác mà đều có trách nhiệm phải tiếp thu, nghiên cứu, xử lý, giải quyết. Hay tiếp xúc cử tri cũng vậy khi nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ QH với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã quy định việc tiếp xúc cử tri không có giới hạn ở trong địa bàn mà đại biểu đó ứng cử. Còn giám sát có thể giám sát ở những địa bàn khác được không? thì cũng cần phải được quy định rõ.
Vậy làm sao để nâng cao năng lực hiệu quả của việc giám sát, thưa ông?
- Theo tôi, để nâng cao hơn nữa hiệu lực hiệu quả của giám sát, tác dụng thực sự của giám sát thì cũng phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định quy trình trách nhiệm và hiệu lực pháp lý của các hoạt động giám sát.
Thứ hai là cần nâng cao năng lực giám sát của các đại biểu dân cử. Đây là điều rất quan trọng bởi năng lực giám sát không phải tự nhiên có mà trên cơ sở lựa chọn đại biểu có năng lực trình độ để người dân bầu vào các cơ quan dân cử. Bên cạnh đó khi đã bầu vào rồi thì phải có hướng dẫn hay tập huấn cho các đại biểu về hoạt động giám sát vì đây là chức năng cơ bản của các cơ quan dân cử.
Thứ ba là nâng cao trách nhiệm của các đối tượng được giám sát, phải làm chuyển biến nhận thức. Đừng nghĩ rằng giám sát là gây khó khăn, giám sát là soi. Rồi phải có kỷ luật, đình chỉ thu hồi thì mới là giám sát. Nếu có cách nhìn đúng về giám sát thì các chủ thể giám sát sẽ tự cảm thấy rằng chính hoạt động giám sát sẽ giúp ích, hỗ trợ bổ sung rất nhiều cho chính cơ quan, cá nhân mình.
Và điểm thứ tư chính là phải công khai minh bạch hơn nữa hoạt động giám sát để cho người dân thực sự có thông tin đầy đủ và chủ động tham gia vào quá trình giám sát. Một số cuộc giám sát nhất quyết phải gặp dân, phải lắng nghe ý kiến của người dân. Đơn cử như giám sát giảm nghèo cũng đều trên tinh thần như vậy.
Trong kế hoạch giám sát ngoài việc làm việc với chính quyền và các cơ quan chức năng thì một nội dung bắt buộc là gặp đại diện các hộ nghèo ở các địa bàn để lắng nghe chính sách có đến với dân hay không? đến như thế nào? và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện như thế nào?người dân có kiến nghị đề xuất gì? Như vậy hoạt động giám sát sẽ có hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!