Những năm qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tại tỉnh Phú Thọ đã được triển khai hiệu quả. Thông qua việc thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, Mặt trận các cấp đã chọn những vấn đề dư luận xã hội bức xúc để tập trung giám sát, phản biện xã hội.
Xác định, công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận, thời gian qua, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các tổ chức thành viên, chủ động nắm bắt tình hình nhân dân để lựa chọn những vấn đề dư luận xã hội quan tâm để tập trung giám sát và phản biện xã hội. Thông qua hoạt động này, Mặt trận và các đoàn thể đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực giúp cấp ủy, chính quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong quản lý, lãnh đạo, điều hành trên các lĩnh vực.
Điển hình như trong năm 2020, MTTQ tỉnh đã triển khai hiệu quả việc giám sát các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành Kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả cho các đối tượng khó khăn tại các huyện, thành, thị. Mặt trận các cấp đã tập trung phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị kịp thời nắm bắt danh sách đối tượng, tiến độ giải ngân, những khó khăn trong quá trình triển khai để phục vụ công tác tuyên truyền và giám sát.
Từ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, việc triển khai và phối hợp giám sát trong hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở đã góp phần đưa chính sách hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đến đúng đối tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống và tạo được sự phấn khởi trong nhân dân.
Theo ông Nguyễn Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền do Bộ Chính trị ban hành và các văn bản hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức 2.616 cuộc giám sát bằng hình thức thành lập đoàn; gần 11.000 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản; 10.680 cuộc phối hợp giám sát cùng thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan tổ chức 23 cuộc giám sát theo chuyên đề được phê duyệt hàng năm. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề được nhân dân quan tâm, những vấn đề bức xúc trong dư luận.
Trong công tác phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đã tổ chức 94 hội nghị để phản biện 1.235 dự thảo văn bản dưới hình thức gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ các cấp cũng phối hợp tổ chức 1.310 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại các địa phương được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác phối hợp nắm tình hình, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân luôn được Mặt trận và các tổ chức thành viên duy trì thực hiện hiệu quả, không để điểm nóng, phức tạp xảy ra trên địa bàn.
Trong thời gian tới, ông Nguyễn Hải cho biết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ tiếp tục có những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện, xã hội. Cùng với việc tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận và củng cố Hội đồng tư vấn cấp tỉnh, Ban tư vấn cấp huyện, Tổ tư vấn cấp cơ sở, Mặt trận các cấp sẽ chủ động nắm bắt tình hình nhân dân để lựa chọn nội dung giám sát, phản biện đúng và trúng với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị từ đó đó đưa ra những đề kiến nghị, đề xuất có sức thuyết phục cao.