Sáng 6/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu.
Khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, giám sát phản biện xã hội là một trong những chức năng nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam, qua đó, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng cũng như góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
“Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể hơn, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà, nhằm đánh giá kết quả đạt được, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQLT số 403. Trên cơ sở đó đánh giá công tác phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ; của MTTQ các cấp với Đoàn đại biểu quốc hội, với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp trong hoạt động giám sát, phản biện theo quy định của NQLT số 403, làm rõ ưu điểm, kết quả đạt được, những cách làm đổi mới, sáng tạo, bài học kinh nghiệm.
Qua hội nghị cũng phân tích những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện; làm rõ bối cảnh, yêu cầu và những vấn đề đặt ra trong thực hiện quy định về hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thời gian tới. Trên cơ sở đó, kiến nghị các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp thực hiện Nghị quyết.
Đặc biệt trong bối cảnh 5 năm qua đã có nhiều văn bản quy định về giám sát phản biện mới được ban hành như Kết luận 19 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, Kết luận 54 của Ban Bí thư yêu cầu Đảng đoàn MTTQ Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế để nhân dân trực tiếp tham gia góp ý, phản ánh với Đảng về những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên.
“Đây là những vấn đề mới đặt ra để cụ thể hóa các quan điểm chủ trương trên trong thực hiện NQLT thời gian tới, khi mà các Luật liên quan như Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Mặt trận… chưa sửa đổi”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cho biết và đề nghị, thông qua Hội nghị các đại biểu sẽ kiến nghị các quy định, nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết.
Giám sát, phản biện hiệu quả, thực chất
Báo cáo kết quả thực hiện NQLT số 403, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ năm 2018 đến năm 2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, đó là giám sát bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản đối với: pháp luật về việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ; giám sát Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư liên quan đến Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; giám sát pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát Luật đất đai... Các kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều được Chính phủ trả lời và chỉ đạo các bộ, ngành, liên quan khẩn trương nghiên cứu và có văn bản trả lời.
Trong 5 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm...
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng thông tin thêm, trong 5 năm, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát. Trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 1.981 cuộc, MTTQ cấp huyện giám sát 13.213 cuộc, MTTQ cấp xã giám sát 72.162 cuộc. Nội dung giám sát được tập trung vào nhiều lĩnh vực, trọng tâm của công tác xây dựng đảng, chính quyền; quản lý tài nguyên đất đai; quản lý hành chính; thực hiện trách nhiệm công vụ; lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng; công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội; công tác phòng, chống Covid-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp...
Cùng với đó, MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong 5 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 144.462 cuộc tập trung vào các nội dung như: giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; giám sát việc thu, chi các loại quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, giám sát công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng...
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức được 149.200 cuộc giám sát, qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện các dự án để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư dự án trên địa bàn.
Thông tin về việc thực hiện các hình thức phản biện theo NQLT số 403, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, ở Trung ương, từ năm 2018-2022, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 14 hội nghị phản biện xã hội. Các dự án Luật, đề án được UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức phản biện là những dự thảo văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội và được nhân dân quan tâm như: Phản biện Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật về Hội; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi); Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
“Sau các Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Văn bản phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và một số cơ quan, tổ chức có ý kiến phản hồi”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định.
Đặc biệt, trong 5 năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị phản biện; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia góp ý kiến, phản biện vào 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở.