Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đang thực hiện quy trình giám sát đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là việc chấp hành pháp luật trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, tham nhũng. Điều đáng nói, nhiều địa phương phản ánh quy trình giải quyết các án tham nhũng, kinh tế... vẫn gặp bất cập, trong đó mức thu hồi tiền, tài sản còn thấp.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022 dự kiến tổ chức 3 đoàn giám sát, bao gồm Đoàn kiểm tra tiến độ thanh tra, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm của các cơ quan tố tụng.
Mới đây, khi Ban Pháp chế HĐND TP HCM đến giám sát tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện KSND, TAND và Chi cục Thi hành án dân sự cấp quận, huyện và TP Thủ Đức, đã đề nghị nhiều vấn đề liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo bà Phạm Quỳnh Anh - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP HCM, giữa 4 cơ quan đã có sự phối hợp hiệu quả trong quy trình chống tham nhũng, từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Tuy nhiên thực tế cho thấy số vụ án mà TAND cấp quận, huyện phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng nhưng số án bị hủy cũng tăng, đồng thời còn thiếu sót, hạn chế. Vì vậy, Ban Pháp chế đề nghị trong khâu giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân cần có quy trình rà soát lại và thực hiện khách quan hơn.
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP HCM Võ Văn Quận, trong năm qua các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, sai phạm liên quan đến ngân hàng đã phát sinh nhiều, nhưng tiến độ cũng còn chậm. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vi phạm, thiếu sót của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh này cũng vừa giám sát về việc chấp hành pháp luật trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, tham nhũng-kinh tế trên địa bàn. Qua đó, đã chỉ ra tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo Đại tá Nguyễn Văn Thời- Phó Giám đốc Công an tỉnh, nguyên nhân đến từ bất cập trong quá trình điều tra giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm. Cụ thể, cơ quan điều tra không thể ra lệnh kê biên tài sản hoặc ra quyết định tố tụng ngăn chặn chuyển dịch tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, mà chỉ có thể đề nghị cơ quan liên quan, phối hợp. Trong khi đó, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng không thể chỉ đạo các tổ chức công chứng tạm dừng các thỏa thuận giao dịch dân sự vì không có quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền... Chính những bất cập này đã khiến việc thu hồi không đạt yêu cầu.
Tại các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, HĐND hai địa phương khi đến giám sát tại các cơ quan tố tụng cũng đặt ra yêu cầu cấp bách là cơ quan tham mưu tách bạch số tiền thu hồi, chưa thu hồi, không thu hồi trong từng vụ án tham nhũng và án kinh tế để tránh thất thoát, lãng phí.
Điển hình trong vụ án liên quan đến ông Trần Văn Nam- cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cùng nhóm cựu lãnh đạo tỉnh này và nhiều cá nhân bị cáo buộc gây thất thoát hơn 5.000 tỉ đồng vụ bán rẻ “đất vàng”. Các cơ quan giám sát cũng đã yêu cầu việc số tiền thất thoát phải có căn cứ chứng minh, không bỏ sót người lọt tội và cũng không thêm tội cho cá nhân, tổ chức.
Trong khi đó tại tỉnh Đồng Nai, cơ quan giám sát cũng chỉ ra bất cập liên quan đến quá trình thực hiện thu hồi đất có nhiều dự án hết hạn 3 năm phải đưa ra khỏi danh mục. Việc chậm thu hồi được báo cáo do nhiều nguyên nhân đã khiến nguy cơ thất thoát, lãng phí ngân sách là rất lớn.