Giám sát trên tinh thần thượng tôn pháp luật

Tuệ Phương (thực hiện) 07/08/2017 08:05

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Tiên- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, bên cạnh việc tự đổi mới các hoạt động, MTTQ phải bám vào địa bàn dân cư, phải dựa vào dân, dựa vào chính quyền để thực hiện các hoạt động giám sát theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tiên.

PV:Trong những năm gần đây, vai trò, vị thế của Mặt trận không ngừng được củng cố, tăng cường. Đặc biệt, thông qua các hoạt động giám sát và phản biện, Mặt trận ngày càng gắn bó với người dân, nói lên tiếng nói của nhân dân. Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Ông Nguyễn Văn Tiên: Những năm qua, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quan tâm đến những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Tại mỗi kỳ khai mạc Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lại đọc báo cáo kiến nghị của cử tri. Nhiều vấn đề của cử tri cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác, thúc ép những người lãnh đạo, đặc biệt là những người giữ trọng trách lớn của MTTQ quan tâm, để đổi mới hoạt động của mình và gắn với tình hình thực tế của đời sống xã hội.

Đặc biệt, với những vi phạm về ATVSTP đang rất đáng lo ngại. Tình trạng này diễn ra do các nhà sản xuất nhỏ lẻ, những người kinh doanh không coi trọng uy tín, không lấy chất lượng sản phẩm làm tiêu chí đánh giá. Bởi vậy việc giám sát của cộng đồng, của người dân, đặc biệt là của Mặt trận có vai trò rất quan trọng.

Vậy, theo ông khi thực hiện việc này, khó khăn mà Mặt trận gặp phải lớn nhất là gì?

- Theo tôi, khó khăn mà Mặt trận gặp phải chắc chắn không ít. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ họ có công cụ, có người thực thi, có quyền lực và có sức mạnh để giám sát, để thanh tra và phát hiện nhưng Mặt trận không có gì ngoài các tổ chức thành viên của mình. Nếu thành viên nào tích cực thì họ tham gia, thành viên nào không tích cực thì họ coi đó là việc chung và không muốn “vác tù và hàng tổng “.

Để Mặt trận thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến đời sống dân sinh cũng như việc phát hiện, tố cáo những sai phạm mà Mặt trận phát hiện cũng không hề dễ dàng.

Vì vậy, theo tôi khi những người cán bộ Mặt trận phát hiện vấn đề gì nên phối hợp với chính quyền cấp huyện hoặc cấp xã để họ đến kiểm tra, thanh tra theo đúng thẩm quyền, đúng nhiệm vụ mà Nhà nước quy định.

Để Mặt trận thực hiện tốt chức năng của mình thì cần chú trọng đến việc gì, nhất là trong giám sát ATVSTP tại cơ sở, thưa ông?

- Việc giám sát ATVSTP là vấn đề khó, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính quyền, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Đặc biệt, an toàn vệ sinh thực phẩm lại chủ yếu xảy ra ở địa bàn dân cư, xảy ra ở cơ sở.

Để làm tốt việc này, UBND, UBMTTQ cấp xã nên kí kết một văn bản để Mặt trận giúp UBND xã phát hiện những cơ sở sản xuất vi phạm ATVSTP. Khi đã có văn bản kí kết hai bên sẽ cùng tạo điều kiện, cùng hỗ trợ nhau làm việc.

Nếu làm tốt việc này, các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng sẽ làm tốt chức năng giám sát cũng như chấp hành tốt những quy định về ATVSTP.

Từ xưa đến nay người Việt luôn coi trọng văn hóa làng xã, tình làng nghĩa xóm được đề cao, anh em họ hàng phải bao bọc, giúp đỡ lẫn nhau nên việc tố cáo người này, tố cáo người kia vi phạm pháp luật rất khó.

Chúng ta không hy vọng việc này sẽ đạt được kết quả như mong muốn nhưng dù thế nào chúng ta cũng vẫn phải cố gắng làm cho thật tốt dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Theo ông, thời gian tới cần cơ chế hoạt động như thế nào để các hoạt động của Mặt trận đạt hiệu quả cao nhất?

- Theo xu hướng hiện nay, trong các hoạt động của các tổ chức đoàn thể cũng như các Hội thuộc quyền quản lý của Nhà nước đang có xu hướng giảm dần và hạn chế cấp kinh phí theo ngân sách mà thay vào đó cấp kinh phí hoạt động theo đơn đặt hàng, theo đầu việc được giao.

Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách ấn định một nguồn kinh phí nhất định để giao việc giống như việc mua dịch vụ công để giao cho các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc này phải được làm trong một khoảng thời gian nhất định để đạt hiệu quả cao nhất. Mặt trận cũng nằm trong guồng quay đó.

Thời gian gần đây, đối với những sai phạm liên quan đến ATVSTP chủ yếu là do nhân dân phát hiện nên chúng ta rất cần sự giám sát của nhân dân, giám sát của Mặt trận.

Tuy nhiên, muốn giám sát tốt phải có kinh phí hoạt động để người dân, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội cũng như Mặt trận tổ chức các hoạt động giám sát còn nếu chỉ hô hào giao nhiệm vụ chung chung thì sẽ khó thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát trên tinh thần thượng tôn pháp luật