Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, thời gian tới hoạt động giám sát, phản biện của Bình Dương cần có trọng điểm, chọn vấn đề bức xúc. Cần nâng tầm hoạt động giám sát, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc.
Thực hiện Công văn số 3920/MTTW-BTT ngày 7/8/2017 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc khảo sát, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật; Công tác giám sát, phản biện xã hội, ngày 19/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam Nam tỉnh Bình Dương tổ chức buổi làm việc với Đoàn UBTƯ MTTQ Việt Nam về vấn đề trên. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đến dự và phát biểu.
Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, ông Bùi Thành Đô, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, thời gian qua, việc triển khai và thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị đã được MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện tương đối tối tốt.
Đặc biệt, công tác giám sát của Mặt trận tỉnh đã đi vào nề nếp, hiệu quả và thiết thực hơn. Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ động lựa chọn những nội dung, lĩnh vực quan trọng, có liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích của nhân dân, những vấn đề bức xúc nổi cộm mà dư luận và nhân dân địa phương quan tâm.
Điển hình như: giám sát kết quả thực hiện Luật Tiếp công dân và Luật Khiếu nại, tố cáo trong đó tập trung vào kết quả công tác tiếp công dân và tiến độ, kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc giải quyết các vụ việc; Giám sát giải quyết một số vụ việc khiếu nại, kéo dài như vụ khiếu nại trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Quang cảnh buổi làm việc.
Riêng về phản biện xã hội, đây là lĩnh vực tương đối mới, việc triển khai thực hiện trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đối với Mặt trận Bình Dương. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, vừa làm vừa học hỏi và hoàn thiện, Mặt trận các cấp trong tỉnh mà chủ yếu là Mặt trận cấp cơ sở đã mạnh dạn tiến hành đề nghị, thực hiện và bước đầu đạt kết quả. Như phản biện Đề án Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của 2 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên, phản biện dự án phát triển nghĩa trang Dĩ An, phản biện chủ trương thu hồi khu đô thị Thế kỷ 21 để triển khai dự án khu tích nước, công viên tại phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một.
Qua 3 năm thực hiện, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Bình Dương đã chủ động tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát và phản biện xã hội phù hợp với pháp luật. Việc triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, được đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các vấn đề, lĩnh vực giám sát có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội, liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích chính đáng, đến đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Chính quyền và sở ngành chưa có nhiều đề án, chương trình, nội dung đề nghị MTTQ phản biện; MTTQ các cấp chưa thật sự chủ động trong việc lựa chọn vấn đề để đề xuất thực hiện phản biện xã hội; Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận chưa được cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết và trả lời, mặc dù một số lĩnh vực đã có quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Huỳnh Đình, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, công tác giám sát mỗi năm vào cuối năm Mặt trận tỉnh có chuẩn bị một số nội dung để Thường trực Tỉnh ủy duyệt; có một số xã thực hiện giám sát từ 8-9 cuộc. Dự kiến cuối năm nay, HĐND ra Nghị quyết chính thức về kinh phí cho giám sát, phản biện. Về hoạt động giám sát ở tỉnh Bình Dương chưa thực bài bản, đặc biệt sau giám sát, không có cơ chế để bắt buộc bên bị giám sát thực hiện.
Trao đổi tại buổi làm việc, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Viêt Nam đánh giá, thông qua các báo cáo về giám sát, phản biện của MTTQ tỉnh Bình Dương đã có một số việc triển khai rất hiệu quả. Trong đó, đánh giá cao những hoạt động giám sát về cải cách hành chính, giám sát đơn thư khiếu nại tố cáo, lấy phiếu tín nhiệm lãnh các lãnh đạo. Theo ông Đường, hiện chúng ta có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng cũng khá đầy đủ và tốt, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào.
“Tôi mong tỉnh Bình Dương bám sát các thực tiễn, đặc biệt là giám sát môi trường, giám an sinh xã hội, tham nhũng”, GS Trần Ngọc Đường bày tỏ.
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc.
Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận xét về phương thức hoạt động tỉnh Bình Dương chủ yếu tự nghiên cứu là chính, điều này rất khó triển khai, vì khó phối hợp và ít tính ràng buộc. Trong khi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao sứ mệnh cho Mặt trận và các tổ chức thành viên là phản biện. Mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
“Về giám sát, phản biện ở Bình Dương được duy trì tốt; nội dung đi vào những vấn đề thiết thức như khiếu nại, cải cách hành chính…Ngoài việc bị động, đến nay Bình Dương đã chủ động hơn, đã nâng cao vai trò của MTTQ”, ông Thường đánh giá.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá cao hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ tỉnh Bình Dương và các tổ chức thành viên. Hội đồng tư vấn ở đây tham gia khá rộng vào các lĩnh vực, đặc biệt là những vấn đề về môi trường được tỉnh Bình Dương phối hợp thực hiện tốt.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng ghi nhận và đánh giá cao những trao đổi, các ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tại buổi làm việc. Cho rằng, đây là những kinh nghiệm hết sức tâm huyết, quý giá cần được phổ biến rộng.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, thời gian tới hoạt động giám sát, phản biện của Bình Dương cần có trọng điểm, chọn vấn đề bức xúc. Cần nâng tầm hoạt động giám sát, phù hợp với điều kiện của địa phương.
“Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nên cần quan tâm đến nguyện vọng của doanh nghiệp; tâm tư, đời sống của của công nhân. Đề xuất, thực hiện quy chế tiếp thu, quy chế này cần làm rõ cấp ủy, chính quyền quan tâm cái gì; có ý kiến của Thường trực, điều này giảm sự chồng chéo, tạo thế chủ động cho bên giám sát”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực gợi ý, trong khi những chủ trương chưa đưa vào thể chế mà Đảng có văn bản chỉ đạo nếu thấy hiệu quả thì cũng nên triển khai. Tăng tính chủ động hơn trong việc giám sát, phản biện của Hội đồng tư vấn. Giám sát rồi cần đeo bám kiến nghị, đề xuất của bên đi giám sát. Ngoài ra, hoạt động giám sát, phản biện của các bên có liên quan, công tác giám sát cũng cần tăng cường tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia, có như vậy thì hiệu quả mới cao mà toàn diện hơn.