Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu: Nhận được sự đồng thuận cao

V.Thắng 18/08/2023 07:15

Ngày 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Nhiều đại biểu đồng tình việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạo điều kiện để người cao tuổi có nhiều cơ hội được hưởng lương hưu. Ảnh: Quang Vinh.

Giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm

Tại phiên họp, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Do đó theo ông Dung, Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.

Theo bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và cũng là ý kiến của một số cơ quan của Quốc hội khi tham gia thẩm tra dự án luật. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần có thể tham gia hoặc quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.

Đồng tình, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng từ 20 xuống 15 năm sẽ tạo điều kiện để lao động hưởng lương hưu sớm hơn. Tuy nhiên để khuyến khích người 45 tuổi trở lên tham gia thì vẫn còn nhiều ý kiến. Với mức đóng 15 năm, lương hưu chỉ hưởng 33,75% khiến người lao động băn khoăn. Do đó nên xem xét hỗ trợ đối tượng nghỉ hưu có thu nhập thấp không đảm bảo mức sống tối thiểu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dù mới lần đầu cho ý kiến nhưng dự án luật được chuẩn bị rất kỹ, có tính cầu thị cao. Đồng tình với phương án giảm thời gian đóng BHXH, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tình trạng rút BHXH một lần diễn ra vừa qua một phần do thời gian đóng quá dài. Trong lúc khó khăn do đại dịch Covid-19, giữa khoảng thời gian 20 năm sau với thời điểm trước mắt, người lao động buộc phải chọn cái trước mắt vì 20 năm dài quá.

“Nghị quyết Trung ương đưa ra lộ trình, thời gian đóng BHXH sẽ hướng đến 10 năm và có lộ trình, giai đoạn trung gian là 15 năm. Do vậy cơ quan soạn thảo cần cụ thể thêm, ngoài đề xuất thời gian đóng 15 năm nếu xác định thời điểm, lộ trình giảm xuống còn 10 năm nữa thì sẽ rất tốt” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

2 phương án về hưởng BHXH một lần

Liên quan đến vấn đề hưởng BHXH một lần, theo đánh giá của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dự thảo luật đang giữ quy định các điều kiện hưởng BHXH một lần cơ bản kế thừa Nghị quyết 93/2015/QH13, song riêng đối với trường hợp sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì có 2 phương án để xin ý kiến. Phương án 1: Giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực. Phương án 2: Chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm riêng. Từ đó Chủ tịch Quốc hội đề xuất tích hợp sử dụng mặt tốt nhất của cả 2 phương án để đưa ra 1 phương án tốt hơn. Ví dụ như người tham gia sau khi luật có hiệu lực thì không được rút BHXH 1 lần. Còn trước khi luật có hiệu lực thì cho rút một phần đã đóng, và có thể cho họ quay trở lại.

Giải trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ban đầu cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH nhưng sau khi trình, Chính phủ gộp lại 2 phương án. Song tất cả phải trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không gây sốc với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn.

Nhắc lại 72% người rút một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân và nguyên nhân ban đầu là khó khăn, ông Dung cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tính toán xem phương án nào tối ưu nhất. Trong đó, có thể ban hành chính sách khác để người lao động không phải rút BHXH một lần, ví dụ như hỗ trợ về tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu: Nhận được sự đồng thuận cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO