Thông tin từ Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng diễn ra nhanh chóng, vì vậy nhu cầu về sử dụng nước cho các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… ngày một gia tăng, kéo theo mức xả nước thải tăng lên theo.
Do đó, chất lượng môi trường nước đang ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng, đặc biệt là các nguồn nước mặt, nơi trực tiếp tiếp nhận các dòng nước ô nhiễm thải vào và khó kiểm soát.
Gần đây, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) đã triển khai thành công hai dự án thí điểm tại Ninh Bình và Hà Nội. Dự án “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí” đã hoàn thành, không phát sinh nước rỉ rác và bàn giao cho huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) quản lý, sử dụng với công suất thiết kế 4 tấn/ngày. Dự án “Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường cho khu dân cư đô thị thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy” ở Từ Liêm (Hà Nội) có công suất thiết kế 400 m3/ngày đêm, chất lượng nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam 14:2008/BTNMT bằng phương pháp lọc sinh học yếm hiếu - khí kết hợp. Công nghệ có hiệu quả xử lý cao, nước thải ra có hàm lượng cặn lơ lửng ít và xử lý triệt để cả ni tơ và phốt pho.
Ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện nguồn nước sông Cầu, Trung tâm cũng đã xây dựng mô hình thử nghiệm xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ ô xi hóa nâng cao kết hợp sinh học công suất 100m3/ngày đêm cho bãi rác Xuân Hòa (tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 2018, Trung tâm đã đưa công trình vào vận hành thử nghiệm và lấy mẫu phân tích. Kết quả cho thấy nước thải sau khi xử lý đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam. Hiện tại, mô hình đã được bàn giao cho UBND thành phố Phúc Yên.
Tuy vậy, trước hiện trạng ô nhiễm chất hữu cơ và phát thải khí gây mùi sunfua của các dòng sông nội đô miền Bắc, đặc biệt là các sông thuộc thành phố Hà Nội, việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung hay quản lý chất lượng nước đầu ra từ các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc nghiên cứu để đưa ra giải pháp kỹ thuật giảm thiểu phát sinh khí gây mùi và giảm ô nhiễm chất hữu cơ trực tiếp trên các kênh thoát nước cấp I phù hợp với đặc điểm hệ thống thoát nước phân tán của các thành phố là hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện tại, nhằm đồng bộ các giải pháp giảm ô nhiễm và phát sinh khí gây mùi sunfua.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết: Trước hiện trạng và áp lực về ô nhiễm chất hữu cơ và phát thải khí gây mùi sunfua của các dòng sông nội đô miền Bắc ngày càng gia tăng, trong khi chưa có các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, năm 2019, Tổng cục Môi trường thực hiện Đề tài Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm chất hữu cơ và giảm thiểu phát sinh khí gây mùi trong nước sông nội đô ở miền Bắc Việt Nam.
Theo đó, sẽ tập trung vào việc đánh giá tổng quan các vấn đề nghiên cứu; đánh giá hiện trạng chất lượng nước sông nội đô miền Bắc; điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá chất lượng nước thải theo các nguồn ô nhiễm; nghiên cứu các giải pháp xử lý nước sông giảm thiểu ô nhiễm chất hữu cơ và giảm phát sinh khí gây mùi bằng các chất ô xy hóa khác nhau; đề xuất giải pháp kỹ thuật xử lý giảm thiểu ô nhiễm chất hữu cơ và giảm phát sinh khí gây mùi trong nước sông nội đô.