Giảm thiểu rủi ro cho lao động di cư

Lê Bảo 22/09/2021 08:41

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lao động nhưng dưới tác động của dịch Covid-19, lao động di cư là đối tượng dễ tổn thương nhất. Họ phải đối mặt với nhiều áp lực, lớn nhất là mất việc làm vì giãn cách xã hội.

Nhóm dễ tổn thương nhất

Để hỗ trợ cho lao động yếu thế, ngoài triển khai các chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù. Theo tổng hợp của Sở LĐTB&XH Hà Nội, đến ngày 18/9, toàn thành phố đã quyết định hỗ trợ cho 161.689 lao động tự do với số tiền 244,53 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Sở LĐTB&XH Hà Nội, việc hỗ trợ này chỉ là trước mắt và tạm thời bởi thực tế, lao động di cư gặp rất nhiều khó khăn so với lao động khác, đặc biệt là ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã khiến lao động di cư phải nghỉ việc hoàn toàn. “Không có việc làm đồng nghĩa không có thu nhập, điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt gia đình của lao động di cư” – ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết.

Mới đây, tại TP HCM, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cùng cộng sự đã tiến hành khảo sát về đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, người di cư “mắc kẹt” tại thành phố. Nghiên cứu đã chỉ ra lao động di cư là nhóm dễ tổn thương nhất trong đời sống đô thị hiện nay. Đáng chú ý theo nghiên cứu, về cơ bản, chính sách hỗ trợ cho các nhóm lao động khu vực chính thức hay các nhóm chính sách đã có hồ sơ an sinh khá dễ dàng, phù hợp với các nguyên tắc chi tiêu công. Ngược lại, hỗ trợ nhóm có đời sống bấp bênh nhất là lao động phi chính thức, người di cư lại khó khăn hơn nhiều do không thể đảm bảo các thủ tục, hồ sơ xác minh mà cơ quan quản lý đặt ra. Trong đó, riêng nhóm lao động di cư từ nông thôn ra đang mắc kẹt tại thành phố thường không nhận được hỗ trợ kịp thời của nơi họ ra đi cũng như nơi họ đến.

Thực tế thống kê cho thấy khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp. Còn đối với nữ lao động di cư (công nhân, người bán hàng rong, lao động ở các chợ đầu mối, giúp việc gia đình...) hầu hết đều phải thuê nhà trọ. Để giảm chi phí, nhiều người chấp nhận ở chung, phòng trọ rất tạm bợ, chật hẹp.

Cần có lưới an sinh phủ rộng

Đề cập giải pháp hỗ trợ lao động di cư vượt qua khủng hoảng dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam cho rằng, chính sách dành cho lao động di cư cần được coi trọng và hoạch định lâu dài. Thời gian qua đã có nhiều hỗ trợ đối với lao động nhập cư nói chung và nữ lao động di cư nói riêng nhưng các hoạt động hỗ trợ chỉ mang tính trước mắt, ngắn hạn, thiếu những giải pháp dài hạn, ổn định.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhóm phụ nữ di cư thuộc khu vực phi chính thức đặc biệt gặp khó khăn khi mang cả 3 đặc tính dễ bị tổn thương: nữ giới – di cư – lao động phi chính thức. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ và lâu dài. Đặc biệt ở những đô thị, thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông lao động di cư, cần có các biện pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách an sinh xã hội. Khi đã được tiếp cận bình đẳng về chính sách an sinh xã hội, lao động di cư sẽ ít gặp rủi ro hơn và Nhà nước sẽ giảm gánh nặng chi phí trợ giúp” – bà Hương đề xuất.

Thực tế nhiều chuyên gia cũng khẳng định, với tốc độ phát triển như hiện nay, trong điều kiện bình thường, các đô thị khó hạn chế được người di cư. Do đó, chính quyền đô thị nơi người di cư đang cư trú cần có chính sách hỗ trợ họ không chỉ vì lý do nhân đạo. Đảm bảo ngưỡng an sinh tối thiểu cho người di cư chính là đảm bảo nguồn lao động cho thành phố sau dịch. Để làm được điều này cần dựa trên nguyên tắc hiệp lực công – tư, huy động nguồn lực xã hội nhằm tạo độ bao phủ an sinh đến với các nhóm yếu thế, lao động phi chính thức, người di cư. Trong đó hệ thống phúc lợi xã hội cho người lao động không chỉ cứu trợ khẩn cấp mà quan tâm đến các lĩnh vực khác như nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe, bảo trợ khẩn cấp, giáo dục cho con em lao động di cư…

“Đại dịch đã làm căng thẳng hơn tình trạng bấp bênh của lao động di cư. Họ thường là đối tượng đầu tiên bị cho nghỉ việc, gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, đã đến lúc cần có lưới an sinh đủ sức bao phủ giúp họ tiếp cận với chính sách việc làm, về bảo hiểm xã hội cũng như y tế và giáo dục ” - Bà Manuela Tomei - Vụ trưởng Vụ điều kiện làm việc và bình đẳng ILO nhấn mạnh.

“Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống lao động di cư. Nhiều lao động vô cùng khó khăn, họ không có tiền tiết kiệm, sống nhờ các gói hỗ trợ, thậm chí họ còn không biết dùng điện thoại thông minh, chính vì vậy việc tiếp cận các chương trình, chính sách của Nhà nước cũng như từ xã hội, tổ chức gặp rất nhiều khó khăn”- Bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu rủi ro cho lao động di cư