Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS đã tồn tại từ rất lâu. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em; làm suy giảm giống nòi, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và chất lượng kinh tế - xã hội.
Theo TS Hoàng Mạnh Tưởng, Phó Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), hiện nay ở nước ta, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra trong đồng bào DTTS. Đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em gái. Những hệ lụy từ tảo hôn dù đã được nói nhiều, hướng dẫn nhiều và việc ngăn ngừa tình trạng này cũng đã được đẩy mạnh tại nhiều địa phương nhưng vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định đây là một vấn đề cơ bản, cấp bách cần giải quyết. Tình trạng này diễn ra chủ yếu trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và xảy ra phổ biến nhất ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tình trạng này gây ra hệ lụy cho cả gia đình và xã hội. Bởi vì, kết hôn cận huyết thống và tảo hôn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em mà còn kéo lùi sự phát triển về kinh tế của địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung. Trẻ em được sinh ra từ các cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền rất cao.
TS Hoàng Mạnh Tưởng cho biết, hiện nay theo thống kê, tỷ lệ trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết, có tới 25% khả năng bị bệnh và có khoảng 50% mang những gen bệnh về tan máu bẩm sinh di truyền. Hiện bệnh này chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh. Còn trong cả nước, hiện nay Việt Nam có hơn 5 triệu người mang gen bệnh về tan máu bẩm sinh, được xếp vào khu vực có nguy cơ cao. Tỷ lệ mang gen bệnh cao chủ yếu tập trung ở vùng khó khăn, vùng DTTS và vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Căn bệnh này di truyền cho thế hệ sau và làm suy thoái giống nòi và trở thành gánh nặng cho cả gia đình và ngoài xã hội. Bên cạnh đó, phụ nữ kết hôn cận huyết thống khi sinh con ra rất dễ bị tử vong, bệnh tật, dẫn đến cuộc sống gặp khó khăn và nguy cơ tan vỡ trong hôn nhân cao.
Đối với tảo hôn, đặc biệt với trẻ em gái, kết hôn ở độ tuổi dưới 15, sẽ có nguy cơ chết do mang thai khi sinh cao hơn so với phụ nữ mang thai ở độ tuổi trên 20 tuổi. Những biến chứng do mang thai khi cơ thể trẻ em gái chưa hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của hàng chục nghìn trường hợp mỗi năm của các bà mẹ trong độ tuổi từ 15-19 tuổi. Ngoài ra, khi kết hôn sớm kể cả nam và nữ cũng sẽ bị hạn chế cơ hội học tập, vui chơi, giải trí và được tự do tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi.
“Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi mà tuổi đời còn ít đã phải nghỉ học, mất đi cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, cản trở họ được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của các em… Từ đó, giảm đi khả năng mà tìm kiếm việc làm, thu nhập, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao và hôn nhân dễ tan vỡ; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết vừa là nguyên nhân, nhưng cũng vừa là hậu quả của tình trạng đói nghèo, tình trạng thất học. Đặc biệt, tình trạng mà nó làm cho suy giảm chất lượng dân số và gây nên nhiều hệ lụy đáng ngại khác cho sự phát triển của xã hội hiện nay”, TS Hoàng Mạnh Tưởng cho hay.
Theo kết quả điều tra thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của 53 DTTS hiện nay cho thấy tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tập trung ở những vùng nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Và trong 6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay thì Tây Nguyên là khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao nhất, sau đó đến vùng Trung du miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung. Còn theo thống kê về mặt dân tộc, tất cả 53 dân tộc đều tình trạng tảo hôn. Trong đó, 5 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao nhất hiện nay đó là dân tộc Mông, Cờ Lao, Mảng, Xinh Mun, Mạ.