Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Nghệ An tìm cách kéo giảm tình trạng tảo hôn

Điền Bắc 29/11/2022 07:01

Dù được tuyên truyền, vận động, nhưng do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng hôn nhân cận huyết, nhất là tảo hôn tại Nghệ An tuy có giảm nhưng chưa được như kỳ vọng...

Một góc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2022, tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã có 5 nữ sinh tuổi vị thành niên lấy chồng. Trong đó, tại bản Khe Búng có 3 người, bản Tây Sơn 1 người, bản Tân Hoà 1 người, độ tuổi từ 16-17 tuổi. Nếu tính từ năm 2019 đến nay, toàn huyện Con Cuông có 76 trường hợp tảo hôn. Những con số nói trên cho thấy, tình trạng tảo hôn tại các khu vực miền núi Nghệ An dù có giảm nhưng chưa được như kỳ vọng.

Địu con 8 tháng tuổi từ rẫy về, L.Th. H. (16 tuổi) trú tại bản Khe Búng, xã Môn Sơn tất bật vào bếp nấu cơm cho gia đình. Ở tuổi 16 nhưng trông H. già hơn nhiều so với tuổi. Chia sẻ với phóng viên, H. cho biết, việc lấy chồng là cần thiết, nếu không lấy thì sợ ế. Ngoài ra, theo H., năm vừa qua, do dịch Covid-19, cả bản “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên những người như H. chỉ quanh quẩn bản làng, nên các em tìm đến với nhau “cứ tự nhiên thôi”. Theo thống kê của Phòng Dân tộc, UBND huyện Con Cuông, từ năm 2020-2022, tại huyện có 27 cặp tảo hôn, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, nhiều nhất vẫn là xã Môn Sơn 14 cặp, xã Châu Khê 7 cặp, Bồng Khê 5 cặp…

Một buổi tập huấn về giảm thiểu vấn nạn tảo hôn tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.

Huyện Kỳ Sơn cũng là địa bàn diễn ra tình trạng tảo hôn khá phổ biến. Theo số liệu thống kê, năm 2021, tại huyện có 104 cặp vợ chồng tảo hôn; tảo hôn một phía (tức vợ, hoặc chồng chưa đủ tuổi thành niên) là 70 người nhưng đến 10 tháng đầu năm 2022 số cặp vợ chồng tảo hôn tăng lên 138 cặp; tảo hôn một phía là 82 người. Cá biệt, có 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. Còn nhớ cách đây 6 năm, tại bản Phà Bún, xã Huồi Tụ có người con gái tên là H.Y.X (dân tộc Mông) lúc đó dù mới 26 tuổi, nhưng X. đã lên chức bà ngoại được 2 năm. X. cho biết, cô lấy chồng lúc 13 tuổi (vào năm 2001), và cùng năm đó cô có bé gái đầu lòng. Và rồi 13 năm sau (năm 2016) con gái của X. lên chức mẹ. Đó là một trong rất nhiều trường hợp tảo hôn ở khu vực miền núi cao xứ Nghệ.

Học sinh miền núi cao xứ Nghệ nghe phổ biến về việc không lập gia đình trước 18 tuổi.

Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào DTTS với hơn 491.000 người. Đồng bào chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi cao, các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn khá nặng nề ở nhiều nơi. Từ thực trạng kinh tế, xã hội nói trên nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS vẫn đáng lo ngại. Trong giai đoạn 2015-2022, mặc dù tỉnh Nghệ An đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025”, tuy nhiên, thực tế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương này vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Lương Viết Tùng - Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Con Cuông cho biết: Rất khó giải quyết vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, bởi khi phát hiện ra thì đã thành “sự đã rồi”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Chính sách (Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An), lâu nay, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, công tác tuyên truyền vẫn là nòng cốt, các chế tài khác vẫn chưa thể thực hiện. Bởi vậy, trong năm qua dù có giảm nhưng tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn cao. “Phong tục tập quán, mặt trái cơ chế thị trường, quan điểm sống cởi mở, chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn còn phức tạp. Ngoài ra, việc thiếu sự quan tâm của chính quyền, vấn đề nhận thức pháp luật, công tác tuyên truyền chưa phổ biến cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này chưa giảm thiểu”- ông Hùng cho biết thêm.

Qua thống kê của tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh có 938 cặp tảo hôn, 24 cặp hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái. Cá biệt, có những cặp hôn nhân cận huyết thống là người dân tộc Mông và Đan Lai. Điều đáng buồn, vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học để kết hôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Nghệ An tìm cách kéo giảm tình trạng tảo hôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO