Hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS; tăng áp lực cho xã hội trên nhiều lĩnh vực: dân số và chất lượng dân số, giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội;
Bác sĩ Mai Xuân Phương - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) trao đổi với Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng ra sao đối với cuộc sống của người dân và chất lượng dân số, đặc biệt là ở phụ nữ vào trẻ em?
BS MAI XUÂN PHƯƠNG: Tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt ở một số vùng.
Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội về học tập, việc làm tốt, cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của người trẻ tuổi, bà mẹ và trẻ em. Hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS; tăng áp lực cho xã hội trên nhiều lĩnh vực: dân số và chất lượng dân số, giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội; Tăng chi phí của xã hội, đất nước để giải quyết các hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra... Đây cũng là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên hợp quốc giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và phòng chống các bệnh dịch; Tăng áp lực và chi phí của xã hội để chăm sóc, điều trị các bệnh tật do hôn nhân cận huyết gây ra. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng DTTS.
Hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bình thường của thai nhi.
Tảo hôn sẽ cuốn con người vào vòng xoáy lo toan gia đình. Phần lớn những gia đình này đều gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như: dễ xảy ra mâu thuẫn, dễ tan vỡ hôn nhân, cơ hội học hành và công việc giảm sút, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia tăng tỷ lệ nghèo đói.
Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc dân số tăng nhưng chất lượng dân số giảm, thưa ông?
- Nguyên nhân của việc tảo hôn là do hiểu biết và nhận thức về hậu quả của tảo hôn trong một bộ phận người dân còn hạn chế. Chính vì vậy dẫn đến nhận thức và quan niệm về lợi ích, nguyên nhân và lý do dẫn đến việc tảo hôn là không rõ ràng, hiện tượng kết hôn sớm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong tục tập quán, phản ứng từ phía cộng đồng đối với hiện tượng tảo hôn còn rất yếu ớt, cộng đồng cho rằng đây là chuyện riêng của từng gia đình. Trong khi đó, giá trị dòng tộc, cộng đồng đóng vai trò chính trong nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó còn do những khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế cộng với sự hạn chế về trình độ văn hoá là các nguyên nhân khách quan tạo cơ hội cho sự tồn tại của hiện tượng tảo hôn. Các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra phải chăng do chế tài của pháp luật chưa đủ sức răn đe?
- Đúng như vậy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang còn diễn biến phức tạp là do sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương còn hạn chế; Nhiều người dân không biết nói tiếng Kinh, gây khó khăn cho việc tuyên truyền.
Theo ông cần làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn?
- Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, thời gian tới chúng ta cần phải tăng cường công tác truyền thông nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tổng cục Dân số đã triển khai giải pháp nhằm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số đó là: Tuyên truyền vận động để tăng cường sự cam kết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng chỉ đạo, lãnh đạo và giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chú trọng tuyên truyền tại các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là phụ nữ, thanh thiếu niên để nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp về các nội dung chính: Dân số/sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và gia đình, quy định về đăng ký kết hôn và khám sức khoẻ.
Xây dựng và tăng cường các hoạt động can thiệp và thực hiện tư vấn và khám sức khoẻ trước khi kết hôn, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết… vào trường học nhằm làm giảm tỷ lệ các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết.
Trân trọng cảm ơn ông!