Trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng leo thang, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, nên điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu để kìm giá xăng dầu
Giá xăng dầu thế giới vẫn có xu hướng tăng
Giá xăng dầu tăng vẫn là diễn biến khó tránh khỏi. Thời điểm hiện tại, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 2/11 của RON 92 là 100,66 USD/thùng, xăng RON 95 là 104,16 USD/thùng, tăng 3-4% so với kỳ trước. Giá dầu ít biến động hơn, quanh 95 USD/thùng. Như vậy, theo tính toán của doanh nghiệp đầu mối, nếu áp theo công thức thì giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 10/11 tăng khoảng 400 - 600 đồng/l lít xăng.
Song điều đáng bàn, khi giá xăng dầu tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang tái hồi phục sau một thời gian dài ảnh hưởng của Covid-19, chắc chắn tác động tiêu cực. Bài toán đặt ra là để giá xăng dầu trong nước biến động theo giá xăng dầu thế giới hay sử dụng công cụ thuế phí, quỹ bình ổn giá để điều tiết.
Để ổn định giá xăng dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng nên tính đến việc giảm thuế xăng dầu, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Hiện quỹ bình ổn giá đang trong tình trạng âm nặng do việc chi sử dụng quỹ diễn ra trong thời gian dài và ở mức cao, trong khi trích lập quỹ hạn chế.
Từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu được tăng kịch khung. Hiện mức thuế áp dụng với mặt hàng xăng là 4.000 đồng và dầu là 2.000 đồng/lít. Theo tính toán tỉ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao, chiếm khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu, trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.
Ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết, hiện nay đang có thảo luận về việc có nên dừng thu thuế môi trường trong xăng dầu hay không vì chi phí này đang chiếm khoảng 3.800 đồng trong 1 lít xăng, là mức tương đối cao so với mức giá xăng hơn 24.000 đồng/lít hiện nay.
Nếu giảm được thuế này sẽ góp phần giảm giá xăng, giúp kiểm soát hoặc ít nhất là ổn định được lạm phát trước áp lực lạm phát tăng do tăng chi phí từ bên ngoài.
Cân nhắc thận trọng
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, phân tích theo các số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 42% và với dầu diesel từ mức khoảng dưới 30% tùy loại, đang ở mức thấp so với nhiều nước và tiếp tục thấp đi. Do thuế bảo vệ môi trường tính cố định 4.000đ/l mà giá xăng tăng ở mức cao khoảng 35% thì tỷ lệ thuế trong giá cơ sở càng thấp.
Trong khi đó, tỷ lệ thuế trên giá xăng của các nước trong khu vực và có quan hệ kinh tế lớn với Việt Nam như: Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Hàn Quốc khoảng 63,18%, Singapore khoảng 67%.
Đặc biệt, nếu hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng. Các doanh nghiệp càng sử dụng nhiều xăng dầu, nhiều điện càng được nhận khoản hỗ trợ lớn hơn từ việc Chính phủ giảm giá xăng dầu. Bên cạnh đó khi hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Chỉ những người có thu nhập cao mới có điều kiện sử dụng các phương tiện hiện đại, tiêu tốn nhiều xăng dầu, còn những người lao động bình dân và lao động tự do, sử dụng rất ít nhiên liệu xăng dầu. Càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, người có thu nhập thấp được hỗ trợ ít hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm khí thải, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên không thể tái tạo và điều tiết thu nhập trong nền kinh tế.
Giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, theo ông Thịnh đề xuất giảm thuế xăng dầu cần thiết được nghiên cứu cẩn trọng trước khi đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét.
iện mức thuế áp dụng với mặt hàng xăng là 4.000 đồng và dầu là 2.000 đồng/lít. Theo tính toán tỉ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao, chiếm khoảng 55% - 60% đối với mặt hàng xăng, 35% - 40% đối với mặt hàng dầu, trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11% - 20% đối với mặt hàng dầu.