Sáng 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2015. Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, ngành phải quan tâm đến chỉ số hài lòng của người dân để giảm “tiếng kêu” của người dân khi tiếp xúc với cơ quan công quyền.
Cải cách thủ tục hành chính hướng tới lợi ích của người dân. (Ảnh: Hoàng Long).
Thu gọn đầu mối, không lập thêm đơn vị sự nghiệp mới
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành hơn 60 nghị định, trong đó có nhiều nghị định quy định về nội dung cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, đến hết tháng 6/2015, các bộ ngành đã đơn giản hóa 4.452 TTHC trên tổng số 4.723 TTHC phải đơn giản hóa...
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đó là, một số cơ quan chưa thực sự quan tâm đến CCHC và chế độ công vụ, công chức; một số thành viên còn chưa chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh hoạt động này tại Bộ, ngành mình; một số nội dung của Đề án đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức còn chậm được triển khai thực hiện; TTHC trên một số lĩnh vực cần tiếp tục được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị cần có các biện pháp đẩy mạnh CCHC. Hiện đã sắp hết nhiệm kỳ Chính phủ, các bộ, ngành không nên đề xuất thành lập thêm cơ quan, tổ chức mới như tổ chức hành chính hay đơn vị sự nghiệp công lập nào, mà cần tập trung vào đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ hiện nay. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tập trung có các chương trình, nội dung để giáo dục phẩm chất, đạo đức cán bộ, công chức để chống căn bệnh vô cảm với nhân dân, doanh nghiệp...
Một vấn đề nữa, mà nhiều địa phương chưa làm tốt, được Bộ trưởng nhắc đến, đó là xây dựng đề án vị trí việc làm. Bởi đến nay đã có 40 tỉnh và 18 bộ, ngành xây dựng đề án vị trí việc làm để bố trí cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên vấn đề này cần phải tăng tốc hơn nữa. Đặc biệt phải kiên quyết không để việc xây dựng vị trí việc làm lại làm tăng thêm cán bộ, công chức.
Chống bằng được bệnh vô cảm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Thời gian qua, các bộ, ngành đã thực hiện tốt Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, góp phần quan trọng vào công tác CCHC của đất nước.
Thời gian qua đã tập trung quyết liệt việc đơn giản hóa TTHC. Nhiều bộ, ngành có chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng ghi nhận như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông cũng được áp dụng tại các quận, huyện và bước đầu đã có tiến bộ, một số tỉnh có mô hình tốt như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém mà các bộ, ngành cần khắc phục. Đó là một số bộ, ngành coi CCHC hành chính như là việc của ai đó mà không phải của bộ, ngành mình. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng văn bản còn nhiều; một số lĩnh vực thủ tục còn rườm rà, phức tạp như đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, thủ tục bảo hiểm y tế hộ gia đình còn phiền hà cho dân; việc ứng dụng chữ ký số còn nhiều bất cập,... Đáng chú ý, việc triển khai một số nội dung trong đề án công chức, công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển, nâng ngạch công chức còn chậm; đã có 18 bộ và 40 tỉnh hoàn thành đề án xác định vị trí việc làm nhưng Bộ Nội vụ chưa phê duyệt đề án nào; vẫn còn một bộ phận vô cảm với người dân, giao tiếp với dân của một bộ phận cán bộ còn thiếu lễ phép...
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2015, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, cụ thể nhiệm vụ CCHC thực sự hiệu quả. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn thi đua trong công tác. Do đó, cần rà soát lại công việc CCHC từ nay đến cuối năm để chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, từng bước chấm dứt nợ đọng nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, văn bản nào sai hoặc chưa phù hợp cần mạnh dạn sửa đổi để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. “Đặc biệt, phải quan tâm đến chỉ số hài lòng của người dân, giảm “tiếng kêu” của người dân khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”- Phó Thủ tướng nêu rõ.