Nhớ nhà cộng thêm nỗi lo chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày đang đè nặng lên vai nhiều sinh viên ngoại tỉnh mắt kẹt tại Thủ đô trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội.
TP Hà Nội tiếp tục thực hiện đợt giãn cách xã hội lần thứ 4, từ nay cho đến đến ngày 21/9. Không thể về quê cũng không thể làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sống và việc học tập ở Thủ đô, nhiều sinh viên ở lại thành phố phải dè sẻn, chắt chiu từng đồng, thậm chí có em đang phải trông chờ từng bữa bằng thực phẩm hỗ trợ của các mạnh thường quân.
Bữa ăn thừa mì tôm, thiếu đạm
Ký túc xá Trường Đại học Giao thông Vận tải những ngày này vắng lặng khác hẳn những ngày thường. Sân tập thể thao vốn là nơi tập trung giải trí của nhiều sinh viên nội trú sau mỗi ngày học tập căng thẳng thì nay không một bóng người. Khu giảng đường phục vụ cho việc học tập và tự học của sinh viên cũng “cửa đóng, then cài” nhiều tháng nay.
Tiếp chúng tôi, ông Mai Đức Anh, Trưởng ban Quản lý Ký túc xá nhà trường cho biết, ký túc xá có 3 khối nhà ở với tổng số hơn 200 phòng, tương đương sức chứa 1.700 sinh viên. Những ngày thực hiện giãn cách, 2 trong 3 khối nhà ở cho sinh viên được quận Đống Đa trưng dụng làm khu phòng chống dịch nên hiện tại có 97 sinh viên ngoại tỉnh không về quê, ở lại tại khối nhà A1 của ký túc xá nhà trường.
Theo quy định của Ban quản lý ký túc xá Trường Đại học Giao thông vận tải, 3 ngày/lần, sinh viên mới được phép ra ngoài mua sắm bằng phiếu đi chơi mà địa phương phát theo 2 khung giờ 8-10 giờ sáng và 16-18 giờ chiều. Ngoài ra, những ngày này các em không được tiếp khách, thường xuyên khai báo ý tế. Hàng hóa đặt mua trên mạng khi giao hàng tới chỉ được đặt trước cổng ký túc xá, sau đó các em nhận qua bảo vệ, tránh tiếp xúc với người lạ tại nơi nội trú.
Quản lý chặt chẽ nên nhiều tháng nay sinh viên trong khu ký túc xá chỉ quanh quẩn trong phạm vi phòng ở. Nghe thông báo về việc thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, Nguyễn Huyền Minh Trang (quê Hải Dương, sinh viên năm thứ 2, khoa Quốc tế) cùng các bạn trong phòng không ngạc nhiên bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Phòng của Trang có tất cả 5 sinh viên, quê quán chủ yếu ở các tỉnh lân cận thành phố. Hầu hết các em mắc kẹt lại đây từ ngày 30/4, vì thế có em không kịp mang theo máy vi tính nên hiện tại học online bằng điện thoại.
Mì tôm trứng, cơm với ức gà công nghiệp-những món như thế này trở thành “cơm bữa” của Trang đã hơn 1 tháng nay. Trang cho hay, từ khi Hà Nội giãn cách, nhà trường và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ nhiều gạo, mì tôm, trứng. Nếu như không có dịch Covid-19, ngoài giờ học, Trang đi làm thêm bán thời gian để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống nơi thành phố thì giờ không có việc, không có tiền nên em phải chi tiêu rất tiết kiệm.
Không chỉ có Trang mà các bạn trong ký túc xá đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ăn nhiều mỳ tôm trứng đến mức không còn ngon miệng nữa nhưng các em tâm sự rằng, dù thèm thịt, cá song cũng không dám ăn, chỉ thi thoảng lắm mới đổi bữa.
Những bữa ăn thừa mì tôm, thiếu đạm đã vậy sinh viên nội trú còn không được giải trí, vận động dưới sân tập thể thao của ký túc xá trong những ngày giãn cách để tránh tụ tập đông người theo quy định của ban quản lý. Tù túng trong 4 bức tường đã 4 tháng nay, em Nguyễn Thị Diễm (quê Hà Tĩnh, sinh viên năm thứ 4, khoa Kế toán Tổng hợp) chia sẻ, không gian giải trí duy nhất của em giờ đây là hành lang phòng ở. Sau giờ học online, Diễm tập thể dục, chạy bộ dọc hành lang và thêm thú vui trồng một vài loại rau.
Trong số sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, có em đang phải trông chờ từng bữa bằng thực phẩm hỗ trợ của các mạnh thường quân. Phùng Thị Ngọc Ánh (quê Bắc Giang, sinh viên năm thứ 3 Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc Gia Hà Nội) là một trong số đó.
Áp lực học tập cộng nỗi lo chi phí sinh hoạt, ăn ở, điện nước phải chi tiêu trong đầu năm học mới đang đè nặng lên vai Ngọc Ánh. Tự lập ăn học trên thành phố nên trước khi có dịch, Ngọc Ánh làm gia sư vào những ngày cuối tuần với thu nhập gần 1 triệu/tháng. Hoàn cảnh khó khăn khiến em thường ngày phải chi tiêu dè sẻn nay càng phải chi li, tính toán hơn vì “thất nghiệp”.
Ngọc Ánh cho hay: “Mấy hôm nay em ăn sáng bằng mì tôm hỗ trợ, bữa ăn chiều miễn phí của Ban quản lý ký túc xá nhà trường. Chi phí sinh hoạt hằng ngày của em một phần từ tiền tiết kiệm ít ỏi, một phần trông chờ vào hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Gần 1 tháng nay, em tìm hiểu các kênh hỗ trợ cho sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội và gửi thông tin xin được hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay đồ được hỗ trợ chủ yếu là mỳ tôm, trứng, gạo”.
Hỗ trợ kịp thời
Trong bối cảnh hàng ngàn sinh viên đang sinh sống và học tập tại Hà Nội gặp khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo ghi nhận, các trường đại học, các tổ chức, đơn vị tại thành phố đã có triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ.
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 sinh viên mắc kẹt tại Hà Nội, đang ở trong 3 khu ký túc xá của trường. Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách tới nay, trường đã có nhiều chương trình hỗ trợ để sinh viên vượt qua gian đoạn khó khăn này. Thông qua các chương trình, tiền mặt, các nhu yếu phẩm cần thiết được các thầy cô, các cơ quan đoàn thể chuyển đến tận nơi ở của sinh viên.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên nhà trường cho biết, tổng số tiền hỗ trợ từ chuỗi các chương trình của nhà trường đến nay hơn 900 triệu đồng. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Ban quản lý kỹ túc xá đã lên phương án tiếp tục kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm nêu như Hà Nội tiếp tục giãn cách.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, “xểnh nhà ra thất nghiệp”-thấu hiểu những khó khăn của sinh viên và gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trước mắt, nhà trường hỗ trợ cho sinh viên ở nội trú miễn phí trong ký túc xá nhà trường; đồng thời, hỗ trợ nhu yếu phẩm, mỗi suất 300 nghìn đồng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại Ban Giám hiệu Trường Đại học Giao thông vận tải giao các khoa rà soát, nắm bắt tình hình sinh viên đang mắc kẹt tại Hà Nội để nhà trường tiếp tục có những hình thức hỗ trợ kịp thời.
Dù những suất quà hỗ trợ của các nhà trường vẫn chưa thấm vào đâu nhưng phần nào giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho sinh viên và hơn hết là món quà tinh thần quý giá động viên các em vững tin vượt qua khó khăn, học tập tốt.
Sinh viên Việt Nam đã vậy, sinh viên quốc tế những lúc này càng thấm thía những tình cảm của Việt Nam. Với Seng Visak, sinh viên Campuchia, năm thứ 4, Khoa Điện-Điện tử, chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông, Trường Đại học Giao thông Vận tải, cuộc sống xa nhà nên thầy cô là cha mẹ thứ 2 của em. Những ngày dịch bệnh, những lời động viên, thăm hỏi của thầy cô giúp em vơi đi nỗi nhớ nhà. Thay mặt các bạn sinh viên quốc tế đang nội trú tại ký túc xá, Seng Visak bày tỏ lòng cảm ơn các thầy cô đã quan tâm, giúp đỡ họ trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh.
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đã có công văn gửi các sở GDĐT; các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Theo đó, Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT; các đại học, học viện; các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm kiểm tra, rà soát những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để phối hợp với chính quyền, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ, tuyệt đối không để có học sinh, sinh viên thiếu ăn, thiếu mặc, giúp các em được tham gia đầy đủ các hình thức học tập, không để học sinh, sinh viên nào bị bỏ lại phía sau.