6 tháng đầu năm 2017, có hơn 88.560 vụ việc vi phạm về gian lận thương mại, buôn lậu bị phát hiện và xử lý- đó là con số được Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đưa ra tại tổng kết 6 tháng đầu năm về tình hình phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới vừa được tổ chức trung tuần tháng 7 vừa qua.
Thực tế vi phạm này hoàn toàn không phải là một con số nhỏ cho thấy, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra vô cùng phức tạp. Con số nói trên tiếp tục là hồi chuông gióng lên về vấn nạn buôn lậu hàng giả, hàng nhái- đã và đang đe dọa đời sống của người dân từng ngày, từng giờ.
Đáng chú ý, các cơ quan chức năng đã phát hiện các cơ sở trong nước thu mua các nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, chất lượng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công, pha trộn, dán nhãn mác nhái các thương hiệu và cung cấp ra thị trường hàng giả, hàng nhái.
Không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ làm thất thu ngân sách nhà nước, làm méo mó, phương hại đến môi trường kinh doanh, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại còn tiềm ẩn những nguy cơ khác về ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người, an sinh xã hội.
Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc, tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát… song, nếu nhìn vào số liệu báo cáo được đưa ra, số vụ việc vi phạm không có dấu hiệu suy giảm, cho thấy tình hình buôn lậu ngày càng trở nên phức tạp hơn, tinh vi hơn.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp tục chỉ rõ, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu vẫn là mang vác nhỏ lẻ hàng hóa theo các đường mòn, lối mở tự phát, đường tránh qua biên giới.
Đặc biệt, lợi dụng chính sách cho phép cư dân biên giới được mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới miễn thuế nhập khẩu với giá trị hàng hóa không quá 2.000.000 đồng/người/ngày/lượt, các đối tượng đã bằng nhiều cách sử dụng phụ nữ, trẻ em, người già… là cư dân vùng biên giới để khuân vác, vận chuyển hàng hóa nhằm hợp thức hóa hàng lậu.
Trong khi đó, vì cuộc mưu sinh, người dân các tỉnh vùng biên giới bỗng nhiên trở thành đối tượng tiếp tay cho các hành vi buôn lậu. Theo chia sẻ của một cán bộ trong Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các đối tượng buôn lậu sử dụng ngay những người dân mà họ hay gọi nôm na là “đội quân ăn vạ” bao gồm trẻ em, người già, phụ nữ, thương binh, các đối tượng nghiện hút... để vận chuyển và áp tải hàng qua biên giới.
Trong khi đó, phần lớn đời sống người dân ở khu vực biên giới đều rất khó khăn, nên chỉ cần nhìn thấy có lợi nhuận là ngay lập tức, người dân “răm rắp” làm theo, bất chấp hiểm nguy đe dọa. Với thủ đoạn này, các đối tượng buôn lậu vừa tránh được nguy cơ bị bắt khi bị phát hiện, bên cạnh đó còn gây tâm lý e ngại cho các lực lượng chức năng.
Bởi, tâm lý chung của bộ đội biên phòng là không muốn “đối đầu” với người dân trên địa bàn, nên nhiều cư dân biên giới, dù biết tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu là hành vi sai trái, vi phạm pháp luật nhưng khó cưỡng lại những lợi nhuận trước mắt.
Chính bởi vậy, việc chống buôn lậu ở vùng biên đã gian nan lại càng khó khăn hơn. Đó còn chưa kể, nhiều cán bộ chống buôn lậu còn trực tiếp trở thành đối tượng tiếp tay cho các hành vi buôn lậu.
Không phủ nhận, Chính phủ đã rất nỗ lực trong cuộc chiến chống buôn lậu kéo dài suốt nhiều năm qua, và đó là một cuộc chiến đấu không ai được phép mệt mỏi. Tuy nhiên, lý do khiến cho cuộc chiến chống buôn lậu vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng khích lệ, một phần nằm ở thực trạng cuộc sống bấp bênh, nghèo khó của cư dân vùng biên giới.
Cứ thử hình dung, khi cái đói, cái khát diễn ra từng ngày thì không ít người sẽ làm tất cả những việc mà làm sao để cứu được cuộc sống của chính họ và gia đình.
Một cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã thừa nhận, do cuộc sống còn khó khăn, khi các cửa khẩu được mở và thông thương, người dân vùng biên bỗng có thêm một nghề để mưu sinh- nghề vác hàng thuê. Và đó chính là sự tiếp tay cho hàng lậu tuồn vào trong nước một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất.
Để ngăn chặn thực tế này, rất cần tạo cho cuộc sống của người dân vùng biên thực sự ổn định, thông qua những chính sách tích cực tạo công ăn việc làm cho người dân; có chính sách ưu đãi đặc biệt cho bà con dân tộc thiểu số. Chỉ khi đó, cuộc chiến chống buôn lậu vùng biên mới được giải quyết tận gốc.