Ở vùng biển của Cà Mau, nghề đáy hàng khơi đã xuất hiện từ rất lâu đời, đặc biệt vùng biển Tân Ân – Rạch Gốc của huyện Ngọc Hiển. Những ngư dân làm nghề này, hằng ngày phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm, có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của mình để mưu sinh.
Người làm nghề đáy hàng khơi phải đu đưa trên những sợi dây thừng mỗi khi thả lưới, cuốn lưới, rất nguy hiểm.
Lặn ngụp dưới biển hay di chuyển đung đưa trên những sợi dây thừng để thả lưới bắt cá là công việc thường xuyên của những ngư dân vùng biển Tân Ân – Rạch Gốc. Công việc đóng đáy ngoài biển được xem là nghề nguy hiểm, không phải ngư dân nào cũng làm được. Tận mắt chứng kiến công việc của họ mới cảm nhận được nghề vất vả này.
Anh Đoàn Nguyên Minh (34 tuổi), ngụ xã Tân Ân, làm nghề này cũng được hơn chục năm nay, con nước lên xuống và luồng cá vào nhiều hay ít cơ bản anh cũng nắm được quy luật. Chia sẻ với chúng tôi, anh nói: “Con nước này tôi thu hoạch được 8 triệu trong 4 ngày, sản phẩm thu được chủ yếu là cá khoai, mực, tôm sắt…”
Anh Minh chia sẻ thêm: “Mùa này đáy thu được chủ yếu là cá khoai, khoảng hơn 110 ngàn đồng/kg; mực giá cũng cao từ 70 – 80 ngàn đồng/kg; tôm sắt có giá từ 50 – 60 ngàn đồng/kg. Nhà nào có kinh tế đầu tư từ 3 đến 4 miệng đáy thì mỗi con nước cũng kiếm chục triệu là bình thường. Nhưng nghề này nguy hiểm lắm, nên ít người dám đầu tư, với lại nhân công thuê cũng mắc”.
Qua câu chuyện của anh Minh, chúng tôi cũng hiểu, để có được vị trí đóng đáy, đăng ở ngoài biển, các ngư dân phải trải qua nhiều khó khăn vất vả đến nhường nào. Hằng ngày từ 12h trưa, ngư dân bắt đầu vươn khơi bủa lưới đánh bắt và kết thúc công việc và vào bờ khoảng 20 giờ tối cùng ngày.
Anh Nguyển Văn Tú, 38 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gốc, cho biết: Mùa này, mực nước biển dâng cao, nguồn nước ở thượng nguồn đổ về, kéo theo nhiều cá, tôm, mực… Thường những người làm đáy hàng khơi có kinh nghiệm lâu năm, phải phán đoán được thời điểm tôm, cá theo dòng nước mà bủa lưới, có vậy mới được mùa bội thu.
Nghề biển là vậy, được mùa thì phấn khởi, có thêm động lực để tiếp tục mưu sinh, kinh tế gia đình cũng được sung túc hơn. Tuy nhiên vẫn có những đợt ngư dân đi về tay trắng hoặc những đợt trở trời, biển động đành nằm chờ.
Nghề đóng đáy hàng khơi được xem là nghề nguy hiểm nên mỗi lần những người đàn ông trong gia đình vươn khơi đánh bắt, những người ở nhà là mẹ, vợ, những người con ở trên bờ lại trông ngóng, nhất là khi thời tiết xấu, họ lại thấp thỏm, chờ tin người thân và chỉ khi nào họ cập bến, vào đất liền mới an tâm.
Theo người dân ở đây kể lại, những năm qua lâu lâu người dân xóm biển Tân Ân – Rạch Gốc lại đón nhận hung tin về những ngư dân mất tích do bất cẩn trong quá trình đánh bắt. Đấy là những câu chuyện đau lòng mà người dân xứ biển này không mong muốn, tuy vậy họ vẫn phải làm vì hai chữ mưu sinh.