Huấn “hoa hồng”- một trong những giang hồ mạng - vừa bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Nổi lên từ năm 2015, Huấn “hoa hồng” được biết đến là người thân thiết với Khá “bảnh” và Quang “ram bô”, cũng là 2 giang hồ mạng đã bị bắt giữ trước đó. Tuy nhiên, đó chưa chắc đã là cái tên cuối cùng trong giới “giang hồ” ồn ào trên mạng, rồi có thể bị bắt giữ về những hành vi vi phạm pháp luật. Cho nên, vẫn phải tiếp tục lý giải vì sao những hành vi giang hồ lại thu hút nhiều người xem, người like trên mạng xã hội như vậy.
Cũng giống như Khá “bảnh” hay Quang “ram bô”, Huấn “hoa hồng” thường xuyên có những video hoặc live streams khoe vàng, khoe tiền... với thái độ ngông nghênh trên mạng xã hội. Mặc dù lý do bị đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với Huấn “hoa hồng” là do khi bị bắt giữ tại một tụ điểm ăn chơi, cơ quan chức năng phát hiện Huấn dương tính với ma túy. Nhưng trước đó trên mạng đã xuất hiện những lời đồn đại, rằng Huấn “hoa hồng” là người cho vay nặng lãi và các dịch vụ khác ở trên mạng xã hội. Có nghĩa là mạng xã hội, mà chủ yếu là từ Facebook, cũng đã trở thành một kênh hữu hiệu cho những kẻ giang hồ hoành hành.
Điều đáng nói là giang hồ mạng không cần phải giấu giếm, chúng công khai xuất hiện và công khai thu hút sự quan tâm của đám đông bằng những hành vi rất … “xã hội đen”. Mà điều này lại được thực hiện không quá khó khăn, phần lớn chỉ cần bằng những hành vi ngông nghênh, thách thức như đeo vàng trĩu cổ, đốt xe, đốt tiền…, thế mà đã có hàng triệu lượt người theo dõi trang cá nhân hoặc trên Youtube. Nhiều người gọi đó là hiện tượng lệch chuẩn thần tượng hoặc lo lắng về sự đổ vỡ của các hệ giá trị.
Nhưng nói cho cùng những Khá “bảnh”, Huấn “hoa hồng”… được tung hô còn có cả yếu tố của sự tò mò, có cả sự rảnh rỗi vốn đang sẵn ở trên mạng xã hội. Khi những clip có nội dung thiếu lành mạnh xuất hiện trên Youtube mà có lượng người theo dõi lên tới mấy triệu lượt người, thì đúng là chính chúng ta phải xem lại tâm lý đám đông chứ không phải là vội vã lên án về sự lệch lạc thần tượng. Chắc chắn không bao giờ có chuyện hàng triệu người thần tượng Khá “bảnh” hay Huấn “hoa hồng”. Chắc chắn khi đã có tới hàng triệu lượt xem các clip của những kẻ giang hồ mạng thì không thể nói họ đều thấy hành vi ấy là đúng. Nhiều người trong số những người xem sẽ thấy phản cảm, nhố nhăng… nhưng rất ít người có phản ứng lại công khai cũng trên mạng về những hành vi ấy. Đó là mặt trái của thời buổi công nghệ. Rất thường xuyên những cái xấu cái ác đã được lan truyền rộng rãi hơn chỉ vì sự tò mò, vì sự vô tình của người sử dụng mạng xã hội. Có thể gọi là gì khác khi chính chúng ta đang tiếp tay cho những cái xấu lên ngôi, khi những video thiếu chuẩn mực xuất hiện trên Youtube có khi đạt tới con số mấy triệu người theo dõi.
Ở chiều ngược lại không có một luồng thông tin nào xuất hiện để phê phán, để chấn chỉnh, để uốn nắn lại chuẩn mực. Cho tới khi chính những giang hồ mạng bị các cơ quan chức năng bắt giữ vì những hành vi vi phạm pháp luật nào đó, người ta mới bắt đầu “nhận diện” lại.
Rõ ràng không phải chỉ có một trường hợp kiểu Khá “bảnh” hay Huấn “hoa hồng” xuất hiện, chúng ta thấy những cái tên ấy đã xuất hiện theo “băng nhóm”, tức là giang hồ mạng không phải chỉ là một cá nhân, một hiện tượng tự phát, mà nó đã có tín hiệu của một xu hướng. Đó là điều cực kỳ đáng lo lắng. Càng đáng lo lắng hơn khi bằng cách nào giang hồ mạng - một trào lưu được coi là đại diện cho các giá trị sai lệch, không chuẩn mực - lại khiến đông người theo dõi chúng. Tất nhiên là có việc thông thường con người luôn cảm thấy tò mò đối với đời sống giang hồ. Những tiểu thuyết kiếm hiệp, những bộ phim về thế giới tội phạm luôn đắt khách là vì vậy. Đánh vào tâm lý đó, để thu hút đám đông giang hồ mạng luôn cố phô ra phần “nghĩa hiệp” vốn được mặc định dành cho những “hảo hán” xưa nay. Nói rằng nhiều bạn trẻ thần tượng cũng là ở khía cạnh này. Thời nào cũng vậy, xã hội bao giờ cũng thần tượng “người hùng”, vấn đề là theo tiêu chí và chuẩn mực nào? Khi không xác định được tiêu chí, khi các giá trị cao đẹp trở thành khan hiếm ở trong đời thực thì có khi chỉ hành vi có vẻ “yêng hùng” - như đua xe trái phép chẳng hạn - cũng khiến một số bạn trẻ tôn thờ. Nữa là một kẻ như Huấn “hoa hồng” xuất hiện với hình ảnh vàng đeo trĩu cổ, phô diễn và khoe khoang…
Vài ba kẻ giang hồ mạng đã bị bắt giữ không có nghĩa là đã đủ để “thần tượng” sụp đổ, cũng không có nghĩa là không còn những kẻ như vậy vẫn đang xuất hiện và sẽ còn xuất hiện trên mạng xã hội mỗi ngày. Làm thế nào để hạn chế những hiện tượng đang có xu hướng trở thành trào lưu ấy là vấn đề cần phải quan tâm hiện nay. Có lẽ khi mọi chuẩn mực được khẳng định, mỗi người ở đúng vị trí của mình và chỉ làm những việc đúng với mình - thì tất yếu mọi giá trị sẽ được sắp xếp lại đúng với đạo đức xã hội. Và tất nhiên, trong mỗi gia đình, mỗi nhà trường, trên các kênh truyền thông chính thống còn phải cố gắng định hướng chuẩn mực mạnh mẽ, bền bỉ hơn rất nhiều.