Việc nông sản xuất sang Trung Quốc ứ đọng tại nhiều cửa khẩu biên giới phía Bắc thời gian qua, trên thực tế không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, lần này khác hơn, vì nguyên nhân trực tiếp được cho là từ dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, riêng tại Lạng Sơn, hàng trăm xe thanh long, dưa hấu bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị.
Mặc dù phía Trung Quốc đã có thông báo mở lại các cửa khẩu từ ngày 5/2 (cửa khẩu Hữu Nghị) và từ ngày 10/2 (cửa khẩu Tân Thanh) , song số lượng nông sản bị tồn ứ do không được thông quan gần chục ngày qua vẫn rất lớn, và do không được bảo quản nên sản lượng trái cây bị hỏng không phải là con số nhỏ.
Xe chở nông sản qua Cửa khẩu Hữu Nghị chiều 5/2.
Thực tế ấy tiếp tục đặt ra cho ngành nông sản xuất khẩu bài toán về tiêu thụ nông sản, về tìm kiếm thị trường và đặc biệt là bài toán về bảo quản nông sản sau thu hoạch. Dịch bệnh lần này đã và đang gây nên những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong “bão dịch” nCoV, nông nghiệp là ngành bị tổn thất lớn nhất.
Thế nhưng, đây không phải lần đầu nông sản nước nhà bị lâm cảnh ùn tắc, ứ đọng sau thu hoạch. Đã không ít lần, dư luận chứng kiến cảnh toàn xã hội hò nhau giải cứu nông sản cho nông dân, cũng chỉ vì sản lượng thu hoạch quá lớn trong khi đầu ra lại bế tắc. Rồi hàng trăm, hàng ngàn tấn nông sản bị đình trệ tại các cửa khẩu do không được thông quan. Và vì không có kho bảo quản, nông sản tươi chỉ vài ngày ứ đọng là bị hỏng thối. Bao nhiêu lần, chúng ta chứng kiến những giọt nước mắt của người nông dân khi phải đổ bỏ đi hàng chục, hàng trăm tấn dưa hấu, thanh long, hành tím, khoai lang… Nói cho cùng, mấu chốt vẫn nằm ở việc chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu nhất cho bài toán tiêu thụ nông sản.
Trở lại với hiện tại, đồng ý rằng, việc hàng trăm tấn thanh long, dưa hấu bị ứ đọng tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh là sự việc xảy ra hoàn toàn bất ngờ. Song một lần nữa cho thấy ngành nông sản của nước nhà vẫn đang rất bị động, để đến khi xảy ra sự cố, mọi công sức của bà con nông dân, của doanh nghiệp coi như… đổ xuống sông xuống bể.
Kinh tế nông nghiệp là lĩnh vực trọng yếu của đất nước khi gần70% dân số đang sinh sống tại khu vực nông thôn, thu nhập chính từ trồng trọt, chăn nuôi. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp còn là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Chính bởi vậy, khi xuất khẩu nông sản gặp rủi ro, trụ đỡ kinh tế lập tức cũng sẽ bị bấp bênh. Trung Quốc lâu nay vẫn là thị trường nhập khẩu chính yếu các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Bởi vậy, bao nhiêu lần thị trường này có biến động thì cũng bấy nhiêu lần nông sản nước nhà bị một phen nghiêng ngả. Và trong bão dịch nCoV lần này cũng không ngoại lệ. Điều này một lần nữa cho thấy, xuất khẩu nông sản vẫn còn khá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Thừa nhận, đây là thị trường lớn và lại gần với Việt Nam nhất có đường biên giới dài nhất nên thuận tiện cho xuất khẩu hàng hóa. Song, không thể vì những thuận lợi về địa lý đơn thuần mà chúng ta không để tâm đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường mới để giúp ngành nông sản xuất khẩu có thể chủ động trong mọi tình huống. Và quan trọng hơn, cần phải tạo thế chủ động cho ngành nông sản nước nhà. Dịch nCoV chỉ là một trong vô số những tình huống bất ngờ xảy ra. Trong những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hai Bộ chủ chốt là Công thương và Bộ NNPTNT nỗ lực vào cuộc để bàn giải pháp giải cứu cho hàng trăm ngàn tấn thanh long, dưa hấu ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới. Song, tất cả các giải pháp cũng chỉ là nhất thời. Điều quan trọng hơn cả cần phải rút ra từ trong “bão dịch”, đó là làm sao để ngành nông sản có thể chủ động được ở mọi tình huống, mọi rủi ro. Thiết nghĩ, nếu chúng ta có những kho bảo quản lớn thì chắc chắn sẽ không có chuyện hàng ngàn tấn trái cây bị hỏng do ùn tắc quá lâu ngày. Và thiết nghĩ, nếu các DN chủ động hơn trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, thì chắc rằng cũng không có chuyện hàng trăm conteiner thanh long, dưa hấu bị bế tắc ở cửa khẩu, phải dội về tiêu thụ trong nước và chờ giải cứu…
Tại một cuộc họp bàn giải pháp gỡ khó cho nông sản ùn tắc tại hai cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh: Ứng phó với dịch virus corona cần xác định cả ngắn hạn và dài hạn, cần tìm thấy cơ hội bên trong những thách thức do dịch bệnh gây ra. Điều này cũng đồng nghĩa, ngành nông sản cần phải hướng đến chuỗi giá trị sâu, chuỗi liên kết lớn để tìm hướng đi khác khi xảy có sự cố xảy ra. Không thể cứ mãi phụ thuộc vào một thị trường và cứ mãi bài ca giải cứu. “Các địa phương cần lưu ý phát triển chuỗi liên kết nông sản, trở thành giải pháp chiến lược, lâu dài và bền vững chứ không thể lúc nào cũng giải cứu khi gặp sự cố”- Bộ trưởng nói.
Có lẽ, không còn sớm, song chắc chắn vẫn kịp thời cho các doanh nghiệp ngành nông sản nếu thực thi, xúc tiến sớm nhất việc mở rộng các thị trường, cho dù “thị trường truyền thống vẫn dễ làm ăn”. Bởi còn rất nhiều thị trường ưa nông sản, trái cây của Việt Nam, một trong số đó phải kể đến thị trường Trung Đông đầy tiềm năng. Thiết nghĩ, ngoài việc chủ động liên kết, phát triển chuỗi, đầu tư mạnh vào khâu chế biến, bảo quản… thì việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để tránh những rủi ro, tình huống bất ngờ tương tự xảy ra.