Chiều 12/7, tại Đồng Tháp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm 2016 các tỉnh Tây Nam Bộ. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu; đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL).
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, trong 6 tháng đầu năm 2016, khối đại đoàn kết toàn dân tộc các tỉnh Tây Nam Bộ tiếp tục được tăng cường, phát huy, công tác chăm lo cho người nghèo, an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tốt, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Công tác tuyên truyền, vận động có sự đổi mới, thực hiện đa dạng hơn, góp phần ổn định tình hình trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.
Công tác vận động, phát huy tinh thần sáng tạo và ý thức tự quản trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh được Mặt trận và các tổ chức thành viên ở nhiều địa phương, cơ sở thực hiện tốt.
Các hoạt động “Vì người nghèo” và công tác vận động hỗ trợ, cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn được triển khai kịp thời. Việc triển khai chương trình các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của toàn dân trong tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Ông Trần Việt Hoàng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh.
Theo ông Trần Việt Hoàng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, 6 tháng qua, Trà Vinh đã hỗ trợ được 21.000 phần quà cho người nghèo, vận động hơn 12 tỷ đồng xây dựng NTM, toàn tỉnh có 22 xã NTM. 5.000 hộ được hỗ trợ người nghèo với kinh phí 2,9 tỷ.
Hiện nay người nghèo ở Trà Vinh đang chiếm tỷ lệ cao, hàng ngàn người không được tiếp cận y tế và không được sử dụng nước sạch, sống trong nhà tạm.
“Ban chỉ đạo hỗ trợ người nghèo của tỉnh đang triển khai dự án đến năm 2020, hỗ trợ nhà ở, nước sạch, hỗ trợ đồng bào Khơ-me, xây dựng 55 công trình cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, tỉnh còn có Quyết định 11 hỗ trợ đất ở cho các hộ nghèo, tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trà vinh có 438 người có uy tín trong cộng đồng, tỉnh có chính sách động viên hỗ trợ người có uy tín tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương…”, ông Hoàng cho hay.
Thời gian qua, Ban cứu trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận số tiền hỗ trợ 4 tỷ đồng từ các đơn vị để giúp đỡ nhân dân trong vùng thiệt hại do xâm nhập mặn, hạn hán.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết, số tiền hỗ trợ này sẽ được dành để mua bồn chứa nước cấp phát cho 1.400 hộ trong vùng hạn hạn, mặn khó khăn các huyện phía Đông của tỉnh.
Ngoài ra, các đơn vị trong và ngoài tỉnh còn hỗ trợ tiền và quà cho các hộ nghèo trong vùng hạn, mặn của tỉnh.
Để tham gia giải quyết những vấn đề gắn liền với đời sống của nhân dân, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”.
Đây là cuộc vận động lớn hướng tới người dân, gắn liền trách nhiệm giám sát của Mặt trận.
Cuộc vận động này gắn với liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong đó, theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, không thể nông thôn mới lại có hợp tác xã kiểu cũ. Hợp tác xã kiểu mới chính là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.
Tâm đắc về vấn đề này, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, Đồng Tháp được chọn thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đồng Tháp triển khai giảm chi phí sản xuất cho người dân, nâng cao năng suất nông nghiệp cho bà con, giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá.
“HTX bây giờ là cứu cánh cho nền nông nghiệp nước ta, bởi tình trạng tư duy tiểu nông đã làm giảm sức cạnh tranh đến nền nông nghiệp” - ông Lê Minh Hoan khẳng định.
Cũng theo ông Hoan, vai trò của MTTQ và các thành viên chính là sự kết dính, sự dẫn dắt đối với Chính quyền và người nông dân trong việc thực hiện xây dựng HTX.
“Không phải mệnh lệnh hành chính nào đưa ra người dân cũng nghe, thậm chí các chính sách từ trên đưa xuống có khi chưa phù hợp với thực tế của ĐBSCL mà rất cần sự hỗ trợ giúp sức về tuyên truyền, giải thích của MTTQ. Lợi ích khi vào HTX là người dân được nuôi chung, trồng chung, tạo được thương hiệu mạnh, được bán chung theo cách mới, hiệu quả hơn”, người đứng đầu Đảng bộ Đồng Tháp khẳng định.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân biểu dương MTTQ các tỉnh Tây Nam Bộ - dù trong điều kiện một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hạn hán xâm nhập mặn, đời sống của nhân dân khó khăn - nhưng đã triển khai công việc có hiệu quả, đảm bảo các nội dung trong chương trình hành động 2016.
Trước những diễn biến của tình hình kinh tế - xã hội sẽ gắn liền với những biến động trong đời sống nhân dân và sẽ đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, MTTQ Việt Nam khu vực Tây Nam bộ cần bám sát định hướng của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để triển khai đảm bảo hiệu quả Chương trình phối hợp hành động năm 2016.
Trong đó, cần quan tâm xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng; kịp thời thông tin hai chiều, định hướng dư luận trong nhân dân; kịp thời nắm bắt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền; tập trung triển khai đồng bộ các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Đối với các chương trình giám sát, căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn những nội dung giám sát do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp triển khai hoặc chọn một nội dung khác.
Việc tổ chức cần có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai. Riêng đối với chương trình giám sát an toàn thực phẩm, trong 6 tháng cuối năm, Trung ương sẽ tổ chức một số đoàn giám sát tại các địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành phố tích cực triển khai chương trình giám sát này - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Mặt trận cũng đề nghị MTTQ các tỉnh Tây Nam bộ cần phối hợp xây dựng và thực hiện nề nếp quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam và chính quyền cùng cấp; đảm bảo cơ chế chính quyền ban hành chính sách, hỗ trợ cho địa phương, cơ sở và nhân dân thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể vận động nhân dân tích cực tham gia góp phần hoàn thành mục tiêu và giám sát việc thực hiện các mục tiêu...