Hầu hết các cha mẹ đều kỳ vọng con em mình đến trường không chỉ để thu nạp kiến thức, mà được giáo dục các kỹ năng sống đúng đắn, giúp hoàn thiện nhân cách.
Giáo dục hiện đại đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của trường học đó là bên cạnh việc trang bị kiến thức, vốn hiểu biết cho trẻ thì giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cũng là một đòi hỏi bức thiết của xã hội. Đặc biệt với chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu về phát triển năng lực học sinh cũng chính là những nội dung gắn kết mật thiết với nội dung này.
Cụ thể, kỹ năng sống đối với học sinh trước hết là những kỹ năng cá nhân trong giao tiếp hàng ngày nhằm giải quyết các công việc hay các tình huống trong cuộc sống hiệu quả; tích cực vận dụng các kiến thức đã học vào đời sống thực tiễn; kỹ năng tâm lý xã hội để quản lý bản thân hay tương tác với mọi người xung quanh,...
Càng trưởng thành, mỗi người cần thêm những kỹ năng khác nhau để thích ứng với xã hội và điều này, chỉ có thể được học tập và rèn luyện trong đời sống thực tế. Với học sinh, khi môi trường hoạt động của các em chủ yếu là ở trường học và gia đình thì vai trò giáo dục kỹ năng sống cho các em đặt lên vai giáo viên và cha mẹ học sinh.
Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra, kỹ năng sống không thể được hình thành chỉ qua việc nghe giảng và tự đọc tài liệu mà phải thông qua các hoạt động tương tác với người khác. Nhiều kỹ năng sống được hình thành trong quá trình học sinh tương tác với bạn cùng học và những người xung quanh thông qua hoạt động học tập và các hoạt động xã hội trong nhà trường.
Vì vậy, dịch Covid-19 đang làm giảm đi cơ hội được đến trường học trực tiếp của nhiều học sinh, đồng nghĩa với việc giảm khả năng tương tác, trải nghiệm của các em trong môi trường học đường, giữa thầy cô, bạn bè mà chỉ sinh hoạt tại nhà sẽ khó khăn trong việc trang bị, rèn luyện cho học sinh kỹ năng sống cần thiết.
Đó là chưa kể nhiều kỹ năng sống chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế, nghĩa là khi các em được tự mình làm việc đó, thể hiện ý tưởng của mình, xem xét ý tưởng của người khác, được đánh giá và xem xét lại những kinh nghiệm sống của mình trước đây theo một cách nhìn nhận khác… thì sẽ rút ra được những kỹ năng của riêng mình.
Trong bối cảnh đó, những học sinh đang phải học trực tuyến sẽ cần nhiều đến vai trò của cha mẹ, những người thân xung quanh trong việc trang bị, rèn luyện những kỹ năng cần thiết thay vì được trải nghiệm ở trường học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cần tập trung nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về vấn đề này; cần xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như phối hợp cụ thể theo từng năm học.
Trong đó, cần thay đổi phương pháp và công tác phối hợp để phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay khi học sinh vẫn đang học trực tuyến ở một số địa bàn. Cần tận dụng công nghệ - vốn có sức hấp dẫn lớn với trẻ em - để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.