Ngân hàng Thế giới khẳng định, trong 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu thế giới, thì khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có tới 7 nước, trong đó Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia được đánh giá thực sự ấn tượng.
Đột phá để đổi mới
Giáo dục các giai đoạn 1945-1954 và 1954-1975, còn sơ khai, tuy có tiến hành một số cải cách giáo dục (CCGD) nhưng vẫn còn những hạn chế. Cả nước đang phải lo “kháng chiến, kiến quốc”, rồi “tay bút, tay súng” và “tất cả cho giải phóng Miền Nam”, nên bức tranh giáo dục Việt Nam trong các giai đoạn này tuy có những nét chấm phá điển hình nhưng còn mờ nhạt, chưa bao quát và chưa thấy rõ nét.
Sau năm 1975 bức tranh giáo dục Việt Nam đã có những gam màu với sự thay đổi, dần chuyển dịch để trở thành đa sắc, tiến tới một chính thể thống nhất trên cả nước đã thống nhất. Hệ phổ thông 12 năm ở Miền Nam tồn tại được 6 năm và tới năm 1981 sát nhập vào hệ phổ thông 10 năm ở Miền Bắc thành hệ phổ thông 12 năm trong toàn quốc. Giáo dục tư thục ở Miền Nam bị xóa bỏ và sau đó được phép hoạt động trở lại vào thời kỳ đổi mới.
Đại hội lần thứ VI của Đảng ta vào năm 1986 là Đại hội của đổi mới tư duy, mở đường cho đất nước phát triển, đồng thời cũng mở ra cánh cửa, kỳ vọng cho một thời kỳ vàng son cho giáo dục Việt Nam. Một lát cắt giáo dục phổ thông vào thời kỳ này sẽ cho ta được chiêm ngưỡng để rồi có đôi điều chiêm nghiệm mang nét chấm phá chủ quan của người viết. Thiết nghĩ, đây cũng là điều trăn trở góp vào luận bàn chung về giáo dục nước nhà.
Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng ta vào năm 2013, đòi hỏi giáo dục phải thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện từ xây dựng mục tiêu, chương trình căn bản và phương pháp, kiểm tra đánh giá, cơ chế quản lý và tổ chức hệ thống giáo dục… Vì thế, chúng ta hoàn toàn được hiểu đây như là cuộc CCGD lần thứ 4 thời kỳ đổi mới giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học được ban hành năm 2018 đã hiện thực hóa, như điểm sáng của 6 năm kiên trì, tổ chức hội thảo, góp ý, sửa đổi và lại tiếp tục hội thảo. Chương trình giáo dục phổ thông mới là thành quả của toàn ngành giáo dục, của trí tuệ tập thể giới khoa học trong nước và nước ngoài. Chúng ta đã giải quyết cơ bản “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đó là Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019.
Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam
Triết lý giáo dục Việt Nam đã có hay chưa? Phải chăng chúng ta chưa có một triết lý phù hợp với thời đổi mới và hội nhập, do đó giáo dục hiện nay chưa có hướng đi rõ ràng?
Cứ tạm hiểu triết lý như là kim chỉ nam về giá trị cho giáo dục hướng tới. Vì thế, triết lý nó không bất biến mà thay đổi theo bối cảnh của xã hội, tức là tùy vào thời điểm mà người ta phải điều chỉnh hoặc thay thế hoàn toàn nó. Muốn tìm ra được triết lý giáo dục thời kỳ đổi mới không cách nào hơn là hãy rà lại những giá trị cũ, vốn được coi là triết lý của một thời, nếu không phù hợp thì điều chỉnh, thậm chí thay bỏ. Nhưng chớ có bảo thủ và ngộ nhận khi xem xét và đánh giá.
Chẳng hạn, cuộc tranh luận mãi, kéo dài không kết thúc với công thức “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, bỏ hay để. Trong khi nhiều nơi đề cao, vẫn đặt khẩu hiệu ở nơi trang trọng nhất chốn học đường. “Con ngoan, trò giỏi” hiện đang tiếp tục được coi là giá trị giáo dục hiện thời.
Có ý kiến lại cho rằng: phải bỏ và nên thay bằng: “Con bản lĩnh, trò sáng tạo”. Bởi vì, giáo dục ngày nay rất cần những con người giầu năng lực, sẵn sàng phản biện và đam mê tự do sáng tạo. Không thể là mẫu người chỉ biết vâng lời, ngoan ngoãn làm theo cùng với cái đầu giỏi đầy ắp học vấn hư văn. Tháng 9 năm 2007, Bộ Giáo dục đã tổ chức hội thảo khoa học tìm kiếm “Triết lý giáo dục Việt Nam”. Đến nay dường như vẫn còn đó, triết lý giáo dục đang ở đâu?
Không phải là chúng ta không có triết lý giáo dục, vẫn đang có đấy. Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ ra “Chuyển mạnh quá trính giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, có thể hiểu đây là bản chất hay nội hàm của triết lý giáo dục thời đổi mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đưa ra quy định vàng, bao gồm 5 phẩm chất và 10 năng lực, thực chất đây là mục tiêu, là đầu ra, là mẫu người người học của trường học đổi mới. Nhà trường phải “xuất xưởng”, chuyển giao cho đất nước những con người thấm đậm quy định vàng, mang phong cách công dân mới người Việt.
Cần sự nêu gương của người thầy
Xét cho cùng, đổi mới hay triết lý cho một nền giáo dục thì cốt lõi vẫn cần sự nêu gương của người thầy.
Người thầy giữ vai trò quan trọng trong quá trình “sản xuất” làm ra sản phẩm. Thầy cần phải được “giáo dục” mà không thể chỉ được “đào tạo” như chúng ta vẫn nghĩ và đang làm. Đòi hỏi người thầy khi hành xử với người học phải vừa có phương pháp (cách giáo dục) và vừa phải có tâm (lòng trắc ẩn). Thầy bị hạn chế về năng lực giáo dục thường dẫn đến bất lực khi hành nghề, dùng đòn roi với học sinh, để giải tỏa tức giận hay áp lực cuộc sống. Bên cạnh đó, nghề giáo không được xem trọng, phụ huynh hành xử thô lỗ, xúc phạm giáo viên khi con em phạm lỗi bị phạt trong lớp.
Cách giáo dục cũ chưa mất đi, cách giáo dục mới chưa được định hình, ổn định dẫn đến có bạo lực học đường: thầy đánh trò, trò đánh trò và kẻ xấu ngang nhiên vào trường đánh trò và đánh cả thầy. Xã hội phát triển quá nhanh, giáo dục lại bảo thủ, chậm chạp đi sau nó, âu có lẽ cũng là một nguyên nhân. Nhà trường ngày nay, người thầy chỉ quen “dạy” (đào tạo) theo phương pháp truyền thống mà chưa biết cách “dỗ” (dạy người) theo chuẩn mực nhà trường mới.
Một người thầy không nêu gương, lập tức trở thành tác dụng ngược, phản giáo dục ngay khi giảng bài cũng như suốt quá trình “sản xuất”.
* Điều đáng lo hiện nay là vấn đề học 2 buổi/ngày ở tiểu học. Hiện nay, cả nước có khoảng 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Như vậy, để triển khai chương trình mới hiệu quả cần lo cho 20% học sinh tiểu học còn lại. Nhìn vào tỷ lệ có vẻ như không nhiều nhưng việc bảo đảm điều kiện cho 20% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày không đơn giản. Bởi thực tế, nước ta phải mất hơn 20 năm mới có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày như hiện nay. Những nơi dễ thì làm rồi, giờ còn lại là những địa phương có khó khăn gấp nhiều lần. Mặt khác, cùng với học 2 buối/ngày là quy định 35 tiết/tuần, học sinh ăn trưa tại trường. Trong khi đó, tình trạng sĩ số học sinh tăng cơ học hằng năm, trường học xuống cấp, tỷ lệ giáo viên/ trên lớp không bảo đảm, huy động đóng góp của phụ huynh, xã hội hóa khó khăn, giảm biên chế giáo viên và thiếu quỹ đất làm trường… là những nguyên nhân chủ yếu kéo theo tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày khó có thể tăng lên, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị giảm.
* Giáo dục cuốn theo xu hướng chung người dân học để thi, để lấy điểm, lấy bằng và rồi có địa vị, danh lợi, mà không vì học cho năng lực sáng tạo bản thân vì nhu cầu phát triển của đất nước và xã hội. Như thế, “Hiếu học” là có thật nhưng theo kiểu Nho giáo mang vào tức là “Hiếu danh”. Trong một cuộc khảo sát gần đây, với gần 6 ngàn người được hỏi, cho rằng : hai nhóm người trình độ thấp nhất và cao nhất có ít nhu cầu học tập hơn. Bởi vì họ thấy trình độ thấp đấy nhưng vẫn sống được, tuy có khổ đôi chút, còn trình độ cao thì tự mãn, hài lòng với bằng cấp (phần nhiều là giả) mình đã có. Gian lận là hậu quả tất yếu của bệnh thành tích, mà bệnh thành tích giờ đây đã trở thành vấn nạn báo động trong xã hội. Và cũng theo kết quả khảo sát, có tới 81%, xếp thứ nhất, cho rằng: gian lận là tật xấu điển hình trong số 34 tật xấu của người Việt.
Từ gian lận thi cử Hà Tây (2006) được gắn với tên người đương thời, thầy giáo Đỗ Việt Khoa, qua Bắc Giang (2012) với địa danh Đồi Ngô và tới Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang (2018)… đã làm xấu xí và xám xịt cho cho cả một tập thể làm thi và giám sát thi ở địa phương, vốn là những người được nhà nước và người dân tin dùng giao cho trọng trách “cầm cân nảy mực”.