Theo Công văn số 016/HĐTS-VP1 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sáng 22/1 gửi đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh tổ chức theo nghi thức cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện theo di nguyện tâm tang của ngài.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận được tin Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại tổ đình Từ Hiếu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 22/1/2022 (tức ngày 20 tháng 12 năm Tân Sửu).
Theo Công văn của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam có nhiều công lao trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp góp phần xiển dương Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Ngài là vị Thiền sư hướng đạo của Phật giáo đồ trên thế giới”.
Thực hiện theo di nguyện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tang lễ sẽ được tổ chức theo nghi thức tâm tang. Cũng như tâm nguyện của môn đồ, pháp quyến tổ đình Từ Hiếu được tổ chức tang lễ của Trưởng lão Hòa thượng theo di nguyện của ngài.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp chặt chẽ và tham gia giúp đỡ tổ đình Từ Hiếu trong công tác tổ chức tang lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh trang nghiêm, thành kính theo nghi thức cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện theo di nguyện tâm tang của ngài.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổ đình Từ Hiếu liên hệ với chính quyền và ngành y tế của tỉnh, thành phố giúp đỡ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định chung của địa phương, đảm bảo an toàn và trang nghiêm trong suốt quá trình diễn ra tang lễ.
Thông báo từ Tổ đình Từ Hiếu và Tăng thân Làng Mai, Lễ nhập Kim quan của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra lúc 8h ngày 23/1/2022 và Lễ Trà Tỳ (di quan và hỏa táng) sẽ diễn ra vào 7h ngày 29/1/2022.
Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.
Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp; theo như di nguyện của Thiền sư.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Năm 1949, ông rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học, bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh. Tháng 5/1966, thiền sư rời Việt Nam; hoạt động ở nhiều nước và từng trụ trì tại chùa Làng Mai, phía nam nước Pháp trong nhiều thập kỷ. Sau hơn 40 năm rời Việt Nam, Thiền sư trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007, 2008… Năm 2017, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan trở về tổ đình Từ Hiếu tịnh dưỡng và lưu trú cho đến ngày viên tịch. Mục sư Martin Luther King từng đề cử thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.
Trong gần 40 năm sống xa quê hương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong mang đạo Phật đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân với gần 1.250 đệ tử xuất gia, hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu. Ông đã viết hơn 120 cuốn sách, trong đó trên 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như “Đường xưa mây trắng”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Hạnh phúc cầm tay”, “Phật trong ta”...