Diễn ra trong một khung cảnh “có một không hai,” chương trình văn nghệ Trường Sa đã để lại những ấn tượng, cảm xúc đặc biệt hướng tới các cán bộ, chiến sỹ, quân dân đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Một tiết mục của đoàn nghệ thuật Tiền Giang. (Ảnh: Vietnam+).
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, Đoàn công tác số 16/2018 với thành phần gồm đại diện Hội chữ thập đỏ Việt Nam, tỉnh Hải Dương, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Quân chủng Hải quân, Quân khu 3, Câu lạc bộ nhà báo nữ, Tổng Công ty điện lực miền Bắc cùng nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã có buổi giao lưu văn nghệ đầy ý nghĩa, để lại những ấn tượng khó quên, đặc biệt là đối với những người lần đầu ra thăm Trường Sa.
Đêm ca nhạc diễn ra ngay giữa biển trời mênh mông sóng nước Trường Sa. Sân khấu là bãi đỗ trực thăng chòng chành, lắc lư của tàu kiểm ngư KN 491 lao băng băng hướng tới đảo Đá Lớn B – chặng dừng chân đầu tiên của đoàn công tác. Bầu trời đêm lấp ló ánh sao. Xa xa trên ngư trường là ánh sáng chập chờn của những chiếc thuyền câu mực của ngư dân Việt Nam.
Vài phút sau khi loa ban tổ chức phát loa thông báo, hơn 200 khán giả đã kéo nhau quây quần, tề tựu đông đủ chờ đợi tiết mục khai mạc. Tâm trạng ai cũng vừa háo hức, vừa tò mò – giống như thời xem phim “mậu dịch” trước đây. Không háo hức mới lạ vì với đa số thành viên đoàn công tác, đây là lần đầu tiên ra Trường Sa và cũng là lần đầu tiên được tham dự một chương trình văn nghệ đặc biệt như vậy.
Sân khấu trên bãi đỗ trực thăng của tàu KN 691. (Ảnh: Vietnam+).
Tham gia biểu diễn là đội “xung kích” gồm 12 ca sỹ, nhạc sỹ, diễn viên đến từ Đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang. Khi khúc nhạc dạo đầu rộn rã vừa được bật, các nghệ sỹ xuất hiện lộng lẫy, tươi tắn dưới ánh đèn sân khấu, trong tiếng reo hò, cổ vũ nhiệt liệt của đám đông khán giả. Ít ai biết rằng cách đấy chỉ vài phút, không ít nghệ sỹ trong đoàn còn phải “nằm bẹp” trên giường và bỏ bữa do say sóng. Tuy nhiên, trước sự chờ đợi của khán giả, tập thể nghệ sỹ trong đoàn đã cố động viên nhau gượng dậy, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ trên tàu…
Chương trình nghệ thuật gồm gần 10 tiết mục ca, múa nhạc, kịch ngắn và ngâm thơ. Ngoài các bài hát trữ tình, đằm thắm ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước như “Việt Nam tôi,” “Sông nước miền Tây,” các nghệ sỹ và các chiến sỹ tàu kiểm ngư KN 491 đã gửi đến khán giả nhiều bài hát hướng về biển đảo thân yêu như “Hướng tới Trường Sa,” “Hoàng Sa, Trường Sa – thiêng liêng Tổ quốc tôi,” “Tổ quốc nhìn từ biển.” Không khí trên sân khấu ngoài trời cũng nóng lên với các điệu nhạc trẻ sôi động, hấp dẫn với phần trình diễn rất “sung” của các nhóm nhảy.
Có mặt từ đầu đến tận cuối buổi diễn, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, không tiếc lời cảm phục đối với các nỗ lực, cố gắng của nhóm nghệ sỹ. Theo chị Xuân Thu, trong điều kiện không thuận lợi, thiếu thống trang thiết bị bổ trợ và đặc biệt là sức khỏe chưa đảm bảo song các nghệ sỹ đã có các tiết mục rất hay, hấp dẫn và ấn tượng, biểu diễn hết mình.
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cho rằng việc được tham dự một buổi biểu diễn văn nghệ trên tàu như thế này là dịp hiếm có, không phải ai cũng có cơ hội.
“Tôi cho rằng đây là một hoạt động rất ý nghĩa. Giữa biển trời quê hương, được hát về quê hương, đất nước, được nghe nhau hát, cùng chia sẻ cảm xúc. Đó là một cảm xúc hết sức ấn tượng,” nữ đại biểu Quốc hội này chia sẻ.
“Như Bác Hồ đã nói, ngày trước chúng ta chỉ có rừng và đêm. Bây giờ chúng ta có cả ban ngày, cả trời, cả biển. Chúng ta đi ban đêm song chúng ta cảm thấy biển là của ta, trời là của ta. Tất cả mọi người cảm thấy tuy ở giữa biển khơi xa song thật sự như ở nhà của mình,” chị Xuân Thu nói với tâm trạng đầy xúc động, tự hào.
Về phần mình, diễn viên Trần Thị Kim Hạnh, Trưởng phòng Nghệ thuật – Diễn viên múa thuộc Đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang, cho biết tất cả 12 nghệ sỹ trong đoàn lần đầu tiên đến Trường Sa, đem tiếng hát lời ca động viên, tạo thêm động lực, tiếp sức cho các cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại quần đảo tiền tiêu này. Qua đó, mong các anh vững lòng, chắc tay súng giữ vững biên cương của Tổ quốc.
Theo diễn viên Kim Hạnh, mặc dù phần lớn các diễn viên trong đoàn bị say sóng song lúc lên sân khấu múa hát trong bối cảnh tàu tròng trành, mọi người đều cố gắng, cùng nhau đoàn kết, tạo nên bầu không khí sôi động, gắn kết, truyền tình cảm yêu thương của đất liền tới các anh em chiến sĩ.
Diễn viên ca Phan Hà Thanh chia sẻ thêm rằng trước khi lên biểu diễn, chị đã rất lo lắng vì tàu chóng chành, lắc lư và sợ phục vụ không tốt, ảnh hưởng đến đêm văn nghệ. Song khi lên boong tàu, thấy khán giả tập trung rất đông, cổ vũ các nghệ sỹ nhiệt tình, hào hứng, chị như được tiếp thêm sức mạnh. Chị Hà Thanh cũng không dấu nổi niềm tự hào và xúc động khi lần đầu tiên được đứng diễn giữa biển khơi bao la, góp phần nhỏ bé của mình khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Diễn viên Kim Hạnh tâm sự: “Vinh dự được đại diện cho tỉnh nhà và mang tình cảm của đất liền tới các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa, đây là một sứ mệnh công tác rất đặc biệt đối với các nghệ sỹ, cũng là điều mà Đoàn nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang đang tìm kiếm nhằm trải nghiệm và đem nghệ thuật tới khán giả trên khắp mọi miền nước.”
Theo chị Kim Hạnh, đoàn đã mất hơn một tháng để chuẩn bị, vừa làm công tác chuyên môn thường ngày, vừa tranh thủ thời gian để luyện tập các tiết mục cho chuyến lưu diễn ở Trường Sa. Bên cạnh các bài hát về Trường Sa, Hoàng Sa, biển đảo, ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, đoàn còn có một số tiết mục múa hát trẻ trung, sôi động dành riêng cho các chiến sỹ trẻ xa nhà. Ngoài ra, đoàn còn muốn mang tới tiếng cười thông qua các tiểu phẩm hài, giúp các anh giữ vững bản lĩnh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.