Thời gian gần đây, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hàng trăm người dân phải đến bệnh viện để khám và điều trị viêm, bỏng da liên quan đến kiến ba khoang.
Theo Bệnh viện Da liễu tỉnh Thừa Thiên Huế, trong vòng khoảng 3 tháng trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hơn 200 trường hợp bị viêm bỏng da do kiến ba khoang gây ra. Riêng từ tháng 10 đến nay, bệnh viện đã khám và điều trị hơn 100 trường hợp. Nhiều người dân khi đến khám đã có những biểu hiện rất nặng, vết thương viêm loét, nhiễm trùng, thậm chí là nổi hạch.
Anh Hoàng Ngọc P. (trú tại phường Hương An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, nhiều ngày trước, con của anh là cháu H.N.K.A. (5 tuổi) xuất hiện tình trạng rát đỏ tại vùng da mặt và mụn mủ. Sau đó, anh P. mua thuốc về điều trị cho con, nhưng vết thương vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, cháu A. có biểu hiện sốt.
Do đó, anh P. đưa con đến Bệnh viện Da liễu tỉnh Thừa Thiên Huế để khám và điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu A. bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang.
Anh Lê Văn C. (31 tuổi, trú tại đường Hải Triều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trong lúc ngủ vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang. Sau đó cánh tay anh C. xuất hiện một vết thương và nổi mụn nước, bỏng rát rất khó chịu. Cho rằng bị Zona, nên anh C. mua thuốc về bôi. Tuy nhiên, sau 2 ngày sử dụng thuốc vết thương vẫn không có dấu hiệu lành. Đến khám tại bệnh viện, anh C. được bác sĩ kết luận bị viêm bỏng da do kiến ba khoang và cấp thuốc điều trị ngoại trú.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, BS Nguyễn Đắc Hanh - Giám đốc Bệnh viện Da liễu tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, kiến ba khoang là loại bọ cánh cứng, xuất hiện vào mùa mưa, đây là thời điểm kiến bước vào mùa sinh sản. Kiến ba khoang thường tập trung ở những khu vực thấp trũng, đồng ruộng… đặc điểm của loài kiến này là thích ánh sáng, xâm nhập vào nhà khi người dân bật đèn.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn viêm da do kiến ba khoang với bệnh Zona. Do đó, một số người dân đã tự mua thuốc về nhà tự điều trị dẫn đến tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn. Thậm chí, không ít trường hợp đã sử dụng các biện pháp dân gian như dùng lá cây đắp lên vết thương, dẫn đến nhiễm trùng, lan rộng, khiến quá trình điều trị kéo dài.
BS Hanh cho biết, khi người tiếp xúc với kiến ba khoang, loại kiến này sẽ tiết ra dịch gây nên tình trạng viêm da, loét da. Ban đầu da đỏ rộp, trong khoảng thời gian từ 6-12 tiếng đồng hồ, cơ thể sẽ có cảm giác ngứa rát và lan rộng. Thậm chí xuất hiện mụn nước hoặc kèm theo sốt.
Bệnh viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang không gây nguy hiểm đến tính mạng, Tuy nhiên, nếu xử lý không đúng cách sẽ khiến vết thương lan rộng, viêm loét và có thể để lại sẹo. Đặc biệt, với những vết thương ở vùng mắt, nếu điều trị sai cách có thể sẽ gây phù nề vùng da quanh mắt, thương tổn giác mạc, nghiêm trọng hơn có thể làm giảm thị lực. Do đó, nên điều trị càng sớm càng tốt, bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày. Trường hợp sốt cao, nổi hạch, da có dấu hiệu nhiễm trùng người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu để được khám và điều trị, không nên tự ý mua thuốc điều trị ở nhà.
“Khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, người dân nên rửa sạch vùng da bị phơi nhiễm bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý nhằm giảm bớt độc tố thẩm thấu vào da. Không chà mạnh lên vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, nên sử dụng các tấm lưới để chắn ở cửa sổ, ô thông gió, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào; vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà…” - BS Hanh cho biết.