Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng quy định giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm.
Chiều 15/1, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chương IX), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp, trong đó có trường hợp số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tại khoản 1 Điều 156.
Đaiị biểu (ĐB) Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hoá) cho rằng, quá trình thực hiện, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trước yêu cầu mới, Luật đã bộc lộ một số hạn chế cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với hoạt động của các tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Từ đó ông Sơn kiến nghị, cần kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với doanh nghiệp khác mà thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn mà quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan.
ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) đề cập đến vấn đề liên quan đến các quy định về giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế thống nhất tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng của tổ chức tín dụng.
Để hạn chế thấp nhất những biến động đối với kinh tế-xã hội, cũng như chủ trương giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng đối với các khách hàng tại các ngân hàng thương mại bà Thuý bày tỏ, khi giảm tỷ lệ này cần phải giải quyết cho được các khó khăn có thể gặp phải, chẳng hạn như môi trường tín dụng của Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Nhất là Ban soạn thảo có thể cân nhắc thêm phương án phân loại các tổ chức tín dụng theo tổng số vốn tự có với mỗi nhóm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng sẽ khác nhau. Bởi lẽ, quy mô vốn của các tổ chức tín dụng hiện nay liên tục gia tăng và có sự phân hóa giữa các ngân hàng thương mại. Do đó, không nên cào bằng, áp dụng tỷ lệ chung cho tất cả các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, ĐB Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) cho biết, về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dự thảo luật trình tại Kỳ họp này có bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Quy định này đã làm thay đổi bản chất của can thiệp sớm.
Theo ông Tân, thay đổi này đã chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang trạng thái xử lý cụ thể. Với cơ chế can thiệp từ sớm, khi phát hiện tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu, hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động, để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường.
Liên quan đến biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, ĐB Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp, nhưng bản chất tín dụng nếu hạch toán đầy đủ về dự phòng sẽ bị lỗ. Vì thế ông Ấn đề nghị, tại khoản cuối khoản 2 Điều 159 quy định phải thuyết minh rõ trong dự phòng rủi ro, bao gồm cả báo cáo tài chính phải niêm yết công khai theo quy định của pháp luật liên quan. Bởi quy định như vậy chưa phù hợp với thực tiễn, cần nghiên cứu, rà soát đảm bảo tính khả thi.
ĐB Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) cũng cho rằng, về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Do đó nên giữ nguyên như quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Bà Hà phân tích rằng, sự cần thiết và phù hợp của Nghị quyết 42, trong đó có các nội dung trên đã được báo cáo, đánh giá trước Quốc hội, Quốc hội đã cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023. Tại Nghị quyết 42, những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu có cơ ở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế. Việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng, việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua.