Giáo sư Lý Chánh Trung và những bài báo “Đối diện với chiến tranh”

Thanh Khê 20/06/2015 10:08

Từ trong tấm lòng sâu thẳm, tôi tự thấy mình không đủ tư cách để viết về Giáo sư Lý Chánh Trung, một trong những khuôn mặt trí thức lớn của Sài Gòn, của Nam Bộ. Tôi viết bài này theo ý nghĩa, cách đây đúng 15 năm, Giáo sư Lý Chánh Trung tặng một quyển sách tập hợp hơn 50 bài báo trong tổng số hơn 300 bài của ông đã đăng tải trên các báo đông độc giả nhất ở Sài Gòn, chủ yếu là tờ Tin Sáng và tờ Điện tín trong vòng 5 năm (đầu 1970 - đầu 1975), với nhan đề “Đối diện với chiến tranh”.

Giáo sư Lý Chánh Trung và những bài báo “Đối diện với chiến tranh”

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi Giáo sư Lý Chánh Trung

Tôi viết bài này lại theo ý nghĩa nhiều người con trai, kể cả con dâu của giáo sư là đồng nghiệp của gia đình tôi. Tôi ngưỡng mộ và tỏ lòng quý trọng giáo sư với tình cảm riêng tư như vậy.

Trong lời mở đầu cuốn sách, Giáo sư Lý Chánh Trung tự bạch rằng: Ông là một nhà giáo, nhưng giữa thập niên 1960, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, tình thế bức xúc buộc ông phải lên tiếng công khai những suy nghĩ của mình về thời cuộc và trở thành một nhà báo “bán chuyên nghiệp” trong gần 10 năm. Giáo sư cho biết: Tháng 3-1970, việc bắt giam một số đông sinh viên, học sinh vì cái tội “có liên quan với cộng sản” đã gây một phong trào đấu tranh rộng lớn, tôi nhận lời mời của anh Ngô Công Đức, chủ nhiệm báo Tin Sáng, viết một loạt bài bênh vực sinh viên, học sinh, mỗi tuần một bài, trong suốt đợt đấu tranh, sau đó “ngon trớn” viết luôn để bổ trợ các phong trào đấu tranh hoặc nhận định tình hình cho tới khi Tin Sáng bị đóng cửa vĩnh viễn vào cuối năm 1971 và anh Ngô Công Đức phải trốn ra nước ngoài xin tỵ nạn chính trị.

Năm 1969, Hồ Chủ tịch qua đời. Ngay sau đó, ngày 24-9-1969, Giáo sư Lý Chánh Trung viết bài “Nói chuyện với người đã khuất” đăng trên tạp chí Đất nước số 14, tháng 10-1969. Bài báo đã gây dư luận rất mạnh. Lúc bấy giờ báo chí miền Bắc có đăng lại bài này. Mở đầu Giáo sư viết: “Tôi biết rất ít về Cụ Hồ Chí Minh: Vài bài báo, vài cuốn sách, vài tấm hình, hầu hết là của Tây phương. Tôi chưa bao giờ được nghe tiếng nói của Cụ. Năm 1945, tỉnh tôi (Trà Vinh, nv) có tổ chức một buổi mít tinh lớn mừng ngày 2-9. Ban tổ chức dự trù cho đồng bào nghe trực tiếp bài diễn văn của Cụ Hồ (Bản Tuyên ngôn Độc lập, nv) qua đài phát thanh Hà Nội nhưng giờ chót cái radio trục trặc nên đành phải bỏ mục ấy. Từ đó, tôi không còn cơ hội nào để nghe Cụ nói, và bây giờ thì sẽ không còn một cơ hội nào nữa, trên trái đất này.

Sự khác biệt khách quan giữa Cụ và tôi thật là to lớn. Cách biệt về tuổi tác, địa phương, hoàn cảnh lịch sử và nhứt là về tài năng và ý thức hệ. Cụ là một lãnh tụ của Phong trào Cộng sản quốc tế và là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Cụ đã làm lịch sử trong gần 50 năm qua, không những sử Việt Nam mà cả sử thế giới. Tôi chỉ là một công dân Việt Nam, một giáo dân công giáo và cho đến nay chưa thêm bớt được chữ nào trên trang sử đang viết cho nước này.

Cụ là một vĩ nhân. Hầu hết mọi người đã nhìn nhận như vậy, dầu là bạn hay thù, dầu là khen hay chê cái sự nghiệp mà Cụ đã dựng nên với hai bàn tay trắng; tôi chỉ là một thường dân…”.

Ngày 8-9-1968, tại trụ sở Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, Giáo sư đọc một bài gây chấn động Sài Gòn lúc bấy giờ: “Tại sao tôi muốn hòa bình?”, sau đó bài được đăng toàn văn trên tạp chí Đối Diện số 20, tháng 2-1971, Giáo sư nói: “Là người Việt Nam, tôi không còn chịu đựng nổi cảnh tượng máu người Việt Nam đổ mỗi ngày một nhiều hơn- không những máu người chiến sĩ hai bên mà còn máu của thường dân vô tội trong đó có ông già bà cả, thiếu phụ, trẻ em- trong khi một số người Việt khác nhởn nhơ làm tiền và ăn chơi phè phỡn như thể họ đang sống tại Balê, hay Nữu ước, nói đúng hơn như thể họ đang sống trên một hành tinh khác, vì người dân Balê , Nữu ước còn lo nghĩ đến cuộc chiến tại Việt Nam nhiều hơn họ.

Là người Việt Nam, tôi không còn chịu đựng nổi cảnh tượng người ngoại quốc ngang nhiên tàn phá đất nước tôi bằng những phương tiện tối tân nhất và khủng khiếp nhất dưới cái danh nghĩa “bảo vệ tự do” của nhân dân miền Nam Việt Nam, một thứ tự do mà nhân dân miền Nam đã ói lên mửa xuống mấy mươi năm nay mà vẫn chưa trôi… Là người Việt Nam, tôi chỉ muốn dân tộc tôi đoàn tụ và muốn đoàn tụ thì phải có hòa bình.”.

Nói theo cách nói của nhà báo Trần Bạch Đằng trong lời tựa cuốn sách: “Không có sức hậu thuẫn của công chúng, Giáo sư không thể cho ra đời các bài báo tiến bộ như vậy. Về mặt này, Giáo sư Lý Chánh Trung đã thành công và dù muốn hay không muốn, ông cũng là đồng minh của cách mạng trong bối cảnh đau thương của đất nước. Quả thật những bài báo của Giáo sư thường ngắn, súc tích, vẫn mang nặng giá trị bằng chứng cho một thời kỳ mà cuối cùng thách thức lớn nhất của từng con người là hồn dân tộc. Chính từ chỗ đứng ấy, những bài báo của Giáo sư đã góp phần vào chiều sâu của tính cách người Việt Nam, người dân thành phố.”.

Cách đây gần 50 năm, có một bài Giáo sư nói tại Hội Liên trường ở Sài Gòn tháng 9-1967, luận bàn về hai chữ “mất nước” mà sách “Chung một bóng cờ” đã trân trọng in lại toàn văn. Bài nói còn mang tính thời sự nóng bỏng hôm nay: “Lãnh thổ, dân tộc và chủ quyền là ba yếu tố thiết yếu để tạo thành một nước. Có nhà mà không được làm chủ trong nhà mình thì có khác gì không nhà. Có nước mà không làm chủ trong nước thì đúng là mất nước. Dân tộc trưởng thành trong quốc gia và sứ mạng của quốc gia là bảo vệ chủ quyền của dân tộc, để dân tộc có thể hành động trong lịch sử như là một chủ thể. Một quốc gia không có chủ quyền là một ý niệm rỗng, hư vô.”.

Trong phần cuối của lời nói đầu cuốn sách, Giáo sư Lý Chánh Trung khiêm tốn viết: “Tôi đã chọn 50 bài viết những năm tháng ấy để làm thành cuốn sách này. Đây là những cảm xúc, phản ứng, suy nghĩ nóng hổi và trung thực của một người dân Sài Gòn trước những gì xảy ra trên đất nước này dù được xét dưới góc độ nào, đó vẫn là những chứng từ có thể đóng góp ít nhiều cho việc tìm hiểu cuộc chiến tranh đã kết thúc 25 năm trước đây”.

Trong cuốn hồi ký “Gia dình, bạn bè và đất nước” của mình, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước đã dành một chương để ghi lại “Những điều tôi nghĩ có trách nhiệm phải nói rõ hơn”. Bà viết: “Trong nhiều lần về thành phố công tác, đặc biệt vào những dịp kỷ niệm 30-4 giải phóng miền Nam, tôi lại có thời gian trò chuyện với nhiều anh chị em, cũng có người trước đây chỉ nghe tên mà chưa biết mặt. Luật sư Trần Ngọc Liễng, tôi biết ông thời kỳ hoạt động với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Bây giờ ông sống ở chùa, theo ông, cho “thênh thản”. Một số người khác như giáo sư Lý Chánh Trung, các linh mục Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ đã là đại biểu Quốc hội mấy năm trước, các nhà báo Lý Quý Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, nguyên là cựu dân biểu đối lập trong Hạ viện Sài Gòn…

(…)Ngay nhóm Dương Văn Minh thì bộ tham mưu gồm những trí thức trẻ như giáo sư Lý Chánh Trung, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung… đều là những người đã trực tiếp quan hệ với Mặt trận tại Sài Gòn hoặc Paris.. Họ có một quan niệm “đứng giữa” rất rõ ràng, tức là phải trở thành lực lượng đứng ra hòa giải giữa hai thành phần một và hai, họ là những người yêu nước nhưng không cộng sản.”.

Cuối cùng, tôi xin trích những câu cuối của bài báo “Ngày lịch sử “ đăng ở Điện Tín, 27-1-1975, trong cuốn sách của giáo sư Lý Chánh Trung: “Cuộc chiến Việt Nam đã chứng minh một sự thật vô giá: Rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn bằng những giá trị tinh thần như độc lập, bình đẳng, tự do và cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa nào nếu những giá trị này bị phủ nhận, do đó con người phải sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ những giá trị đó.”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư Lý Chánh Trung và những bài báo “Đối diện với chiến tranh”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO