Ngày 16/7, tại TP.HCM, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án luật Báo chí. GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ chủ trì Hội nghị.
Hơn 100 nhà báo, các chuyên gia tham luận và thảo luận góp ý
Dự thảo Luật báo chí vào sáng 16-7 tại TP.HCM
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng đã trình bày một số nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật báo chí mới so với Luật báo chí hiện hành.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ góp ý; theo phương án 1 trong dự thảo Luật báo chí (chuẩn bị thảo luận tại Quốc hội) coi trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức là một dạng báo chí. Nhưng nếu quy định như vậy sẽ khuyến khích hình thức này nở rộ “cóp – pết”, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động báo chí nói chung.
Theo GS Thuyết, hiện nay các trang mạng, trong đó có blog, fanpage, facebook cá nhân trên internet không chỉ đưa lên mạng những thông tin thuộc về cá nhân mà còn cung cấp nhiều vấn đề thời sự không khác gì một tờ báo điện tử. Để truy cập các trang này, người ta chỉ cần một điện thoại di động hay một chiếc đồng hồ thông minh.
Ngày nay, ngày càng nhiều người ít nghe đài, đọc báo, xem truyền hình, trong khi các mạng xã hội lại thu hút ngày càng nhiều người tham gia, giao lưu. Tin, bài trên mạng thường phong phú và sốt dẻo nên nhiều trang mạng chính thống, kể cả báo điện tử dẫn lại các nội dung chưa xác thực, bịa đặt hoặc vi phạm pháp luật, moi móc đời tư, xúc phạm danh dự của tổ chức, cá nhân, vi phạm bản quyền,…
Để quản lý các trang mạng, GS Thuyết cho rằng: “Phải quản lý các trang mạng bằng các luật khác: chẳng hạn vi phạm luật hình sự thì xử lý theo hình sự, phi phạm theo luật dân sự thì sử phạt theo luật dân sự. Như vậy là cách tốt nhất”.
Theo GS Thuyết, hiện nay nhiều nước đang áp dụng theo phương pháp nêu trên, kể cả với hoạt động báo chí. Việc quản lý, điều chỉnh hoạt động của các trang mạng này theo các Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ,…cũng là một cách kiểm nghiệm hiệu quả quản lý hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.
GS Nguyễn Minh Thuyết trình bày tham luận và góp ý Dự thảo Luật báo chí tại Hội nghị
Về vấn đề có nên tiếp tục bao cấp báo chí không, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tới nay cả nước đã có trên 800 cơ quan báo chí, với gần 1.500 ấn phẩm, 68 đài phát thanh, truyền hình. Thậm chí, một số địa phương còn tổ chức đài phát thanh – truyền hình cấp huyện.
Theo GS Thuyết, việc phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành đang đặt ra nhựng vấn đề cần được điều chỉnh kịp thời. Đó là chưa kể, quy định tại Điều 7 (về việc lập Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí từ nguồn hỗ trợ ngân sách nhà nước, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác) của Dự thảo có khả năng sẽ khiến tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước và chi phí xã hội. Về vấn đề này, GS Thuyết gợi ý, Luật báo chí cần quy định rõ các mô hình tổ chức báo chí, như: mô hình “cơ quan nhà nước”; “đơn vị sự nghiệp có thu” và “doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện”;…
Tham gia tham luận và thảo luận tại Hội thảo cũng có các ý kiến của Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng; GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ; PGS.TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ), cùng nhiều nhà báo, trưởng đại diện các cơ quan báo chí của trung ương và địa phương tại TP.HCM.
Chiều nay, Hội nghị tiếp tục với phiên thảo luận góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí chuẩn bị được thảo luận tại Quốc hội sắp tới.