Giáo sư sử học Lê Văn Lan: Sáng suốt, bình tĩnh, chủ động sẽ tránh sự mê muội

Phóng viên (ghi) 20/04/2021 10:30

Để phân biệt chánh tín và mê tín, cần sự phù hợp. Phù hợp với sự phát triển xã hội, ở lát cắt của thời gian nào thì cần có niềm tin phù hợp.

Giáo sư Lê Văn Lan. Ảnh: Quang Vinh.

Thưa Giáo sư Lê Văn Lan, ở góc độ một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có ý kiến như thế nào về việc một số người trong xã hội hiện đại ngày nay biến những tập tục thờ cúng tốt đẹp thành những hiện tượng như giải nghiệp, oan gia trái chủ, bói toán?

Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi có chú ý đến thuật ngữ “hiện đại” mà nhà báo vừa nói. Vì sao ở thời hiện đại mà vẫn có chuyện thuộc về thời gian và không gian rất lâu về trước. Một số nhà sử học đã có những công trình nghiên cứu và phát hiện được ra một điều có tính quy luật của lịch sử Việt Nam, đó là từng lát cắt thời gian, khi thì ta gọi lát cắt hiện đại, khi thì cận đại và trước đó là trung đại.

Tuy nhiên, Việt Nam rất khác, những gì từ thời cận đại vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Những vấn đề thực thể từ thời trung cổ, vẫn tồn tại trong lát cắt hiện đại. Những chuyện ở thời nguyên thủy vẫn tồn tại như thế. Đấy là đặc điểm phát triển có tính quy luật của Việt Nam. Đó là lý giải vì sao, ở thời hiện đại rồi mà vẫn còn cúng vong, trục vong, giải nghiệp. Đó là sản phẩm từ thời trung cổ, thậm chí từ thời nguyên thủy. Nhưng vẫn có đời sống kéo dài như thế đến tận hôm nay.

Như vậy bóng của quá khứ vẫn đè nặng lên thời sau. Ở Việt Nam điều này hết sức rõ ràng. Vấn đề ở đây là vì sao hiện đại rồi, tức là văn minh, khoa học, tư duy là lý trí, về mặt lối sống là cân bằng và đầy đủ các yếu tố nhưng một số người vẫn không hoàn toàn là người hiện đại.

Trong cấu trúc của những người như thế, quá khứ ám ảnh rất nặng. Đấy là đặc điểm của con người hiện đại nhưng không hoàn toàn hiện đại. Người trẻ có thể nhảy rock, hát rap nhưng tư duy, thế giới tâm linh vẫn bị những hình ảnh, vấn đề, tập tục từ thời quá khứ, thậm chí từ thời rất xa ám ảnh. Những gì chúng ta gọi là hồn, vía, không phải là thời bây giờ. Nhưng những người hiện đại trong căn cốt của mình vẫn không thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ.

Vì vậy, cần vai trò của cơ quan quản lý văn hóa xã hội. Một thời chúng ta làm rất chặt chẽ, nghiêm khắc. Nhưng hiện nay lại xuất hiện nhiều bất cập. Vì vậy, để trở lại thế cân bằng thì cần phải nâng trình độ dân trí. Các cấp quản lý bây giờ nhiều quá, chồng chéo lên nhau.

Thưa giáo sư, trên mạng xã hội ngày nay có quá nhiều thông tin và bạn đọc rất khó để chọn lọc cho mình những thông tin đúng đắn. Vậy ông có thể nói thêm về chánh tín và mê tín, để giúp cho độc giả có thể tự mình phân định rõ thế nào là tín ngưỡng, thế nào là u mê?

- Đã nói tới chánh tín và mê tín thì chúng ta đã chạm tới một miền rất mênh mông, rất rộng lớn. Vì vậy, để bàn về chánh tín và mê tín, tôi xin kể một câu chuyện có thực ở thế kỷ 19. Ở trong sách Hưng Hóa có chép, Tuần phủ Hưng Hóa đến một làng, gọi là làng Đỗ. Ông đến và thấy làng này đem thờ nõ, nường - vật sống của người nam, nữ. Những vùng xung quanh đó cũng thờ phụng nõ, nường, bằng cách ném, cướp những vật như thế. Ông Tuần phủ bèn hỏi tại sao làm việc quái gở như này. Ông gọi đó là mê tín và ra lệnh cấm.

Nhưng nếu đặt những nõ, nường như thế vào một không gian khác - không gian văn hóa thì nó lại khác. Hôm vừa rồi tôi ở Quảng Nam, vào khu Thánh địa Mỹ Sơn, người ta làm những tượng rất đẹp và công phu. Và bây giờ coi như di sản văn hóa thế giới.

Vì vậy, chúng ta thấy, để phân biệt chánh tín và mê tín, cần sự phù hợp. Phù hợp với sự phát triển xã hội, ở lát cắt của thời gian nào thì cần có niềm tin phù hợp. Phù hợp với chuẩn mực, phù hợp với phẩm chất của người tin và thực hành tín ngưỡng, sao có chánh tín và không mê tín. Đặt sự phù hợp trong tâm thức, tâm thế của từng người, trong từng cộng đồng, là sáng suốt, bình tĩnh, chủ động thì sẽ tránh sự mê muội. Mê muội ứng vào niềm tin sẽ là mê tín.

Vậy theo giáo sư, làm thế nào để người u mê trở về cuộc sống bình thường?

- Theo tôi, mọi người hãy thực hành tín ngưỡng, thực hành tâm linh phù hợp với thời đại của chúng ta. Cho dù thực tiễn và cả tính quy luật xã hội vẫn còn có những ám ảnh, những đè nặng của quá khứ nhưng ở thời hiện đại, con người không thể là những người hiện đại mà ẩn trong tâm thức, tâm linh là cổ sơ, cổ hủ. Mọi người tự giác nâng cao sự hiểu biết của mình, trí tuệ của mình.

Ngôn ngữ của đạo Phật nhấn rất kỹ đến chữ Tuệ. Đó là tuệ giác, tuệ tâm, thậm chí là nhìn cũng phải là tuệ nhãn. Tôi rất mong mọi người hãy theo lời dạy của Phật, đề cao và nhắc nhở mình, tự rèn luyện chữ Tuệ trong tất cả các lĩnh vực, từ tâm cho đến sự hiểu biết. Chúng ta thực hành tín ngưỡng, đi lễ chùa, thờ Thánh ở đền, chúng ta đi cầu nguyện cho bản thân, cho sự tu tập, cho xã hội, đồng bào, cho những người có thân phận không tốt đẹp…

Tất cả những điều ấy nên đặt vào bối cảnh chung, cũng như bối cảnh của từng người. Hãy có trí tuệ, bên cạnh cái tâm tốt đẹp. Có Tuệ và có Tâm, khi đi lễ, làm việc thiện hay đi nghe giảng đạo thì sẽ tránh được sự lôi kéo, ma mị để chủ động, sáng suốt.

Thưa giáo sư, còn hiện tượng người dân đổ xô đi lễ chùa, nườm nượp kéo nhau đến các cơ sở thờ tự, tôn giáo mới được xây dựng thì sao?

- Ngày nay có hiện tượng rất đông người đến lễ chùa, mà không chỉ đến chùa, mẫu phủ, đền, miếu, nhà thờ đều có tình trạng đông đúc dẫn đến quá tải. Tôi muốn nói, cho dù quý vị hành hương đến chùa, đến đền, đình hay bất cứ cơ sở tôn giáo tâm linh nào, nên đến nơi đủ sức chứa, đảm bảo được sự an tọa, còn nếu quá tải thì chúng ta nên tránh. Ở Việt Nam có nhiều nơi chúng ta có thể đến để tĩnh tâm.

Phật là tâm, tâm là Phật. Các vị cứ đi lễ với tất cả sự thành kính của mình, nhưng tránh những nơi đông đúc, quá tải như vậy mới có thể tĩnh tâm. Như vậy, còn khắc phục được cả tâm lý, nếp nghĩ quen thuộc “đông là vui”. Nhưng giờ đó là quan niệm cũ, giờ “đông không hẳn là vui” mà đông là tai nạn, là quá khích. Tôi cho rằng, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo lựa chọn đi lễ cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư sử học Lê Văn Lan: Sáng suốt, bình tĩnh, chủ động sẽ tránh sự mê muội