Trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ngăn không cho xe chở hàng hóa từ các tỉnh, thành vào TP Hồ Chí Minh (TP HCM) dẫn đến khan hiếm thực phẩm và kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa. Trước thông tin này, chiều nay 14/7, trả lời phỏng vấn Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định đó là thông tin bịa đặt.
PV:Sau 5 ngày TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách xã hội toàn thành phố, tình hình giao thông trên địa bàn diễn biến như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Quang Lâm: Sau 5 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình giao thông trên địa bàn TP HCM nhìn chung là thông thoáng. Qua giám sát thực tế và qua đo lường từ hệ thống camera giám sát giao thông lắp đặt trên các tuyến đường, mật độ giao thông trên toàn địa bàn TP HCM giảm khoảng 70 - 80%, có một số khu vực giảm gần như tiệm cận 100%. Đa phần người dân có ý thức chấp hành, ở nhà phòng dịch.
Từ ngày 9/7, TP HCM đã thành lập 12 chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường kết nối liên tỉnh tại các cửa ngõ vào TP HCM. Trong các ngày đầu triển khai có hiện tượng ùn tại một số vị trí chốt do lái xe và doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin, chưa chuẩn bị việc khai báo y tế trên thiết bị điện tử thông minh, chưa xét nghiệm Covid-19 dẫn đến việc kiểm tra lâu, một số không đảm bảo điều kiện phải quay đầu xe gây cản trở giao thông. Đến nay, các quy định khi ra vào thành phố đã được thông tin, phổ biến rộng rãi nên tình hình lưu thông tại các chốt thông thoáng.
Dư luận cho rằng, lượng hàng hóa thiết yếu ở các tỉnh, thành về TP HCM ít là do xe chở hàng phải qua nhiều trạm kiểm soát, trên mạng xã hội còn tung tin các chốt kiểm soát chặn xe không cho vào TP HCM. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Hiện nay, ngoài TP HCM có nhiều địa phương khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ triển khai thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang…. Do đó, tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch của các tỉnh đều kiểm soát chặt các phương tiện ra vào và đi ngang qua tỉnh, trong đó có kiểm tra các giấy tờ liên quan và các điều kiện phòng chống dịch theo yêu cầu của ngành y tế và của địa phương.
Theo Sở Công Thương, hiện nay, việc vận chuyển hàng thiết yếu từ các tỉnh, thành về TP HCM vẫn được lưu thông bình thường và đảm bảo nhu cầu các mặt hàng thiết yếu cho người dân thành phố. Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải và Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với đơn vị của các tỉnh để giải quyết ngay các vướng mắc trong quá trình vận chuyển.
Khó khăn nhất hiện nay là hiệu lực của giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 ngắn, dẫn đến tốn thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện khi lưu thông hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM và ngược lại. Còn thông tin các chốt kiểm soát chặn không cho xe vào TP HCM, tôi khẳng định, thông tin trên không đúng và hoàn toàn bịa đặt. Đến thời điểm này, việc kiểm soát các phương tiện từ các tỉnh, thành vào TP HCM vẫn tuân theo Chỉ thị 16, đúng đối tượng, đúng yêu cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo TP HCM tiếp tục mở thêm luồng xanh, vậy Sở GTVT đã thực hiện vấn đề này như thế nào thưa ông?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT và lãnh đạo thành phố, thời gian qua Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc cấp giấy nhận diện cho các phương tiện nhằm tạo thuận lợi (tạo luồng xanh) cho các xe ô tô vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan từ TP HCM đi các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và ngược lại; các phương tiện đi qua địa bàn TP HCM được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian TP HCM thực hiện Chỉ thị số 16.
Sau 5 ngày, Sở GTVT đã tổ chức cấp được 21.826 giấy nhận diện phương tiện (luồng xanh) cho 41 đơn vị. Qua theo dõi các xe được cấp giấy nhận diện phương tiện – tạo luồng xanh khi đi qua các chốt kiểm dịch được tạo điều kiện thuận lợi khi lưu thông, đặc biệt là tại các cửa ngõ ra vào T PHCM. Một số tỉnh cũng đã triển khai tạo điều kiện ưu tiên cho các xe có Giấy nhận diện khi đi qua các vùng kiểm dịch. Do đó, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ quyết liệt triển khai nội dung này trong thời gian tới.
Chỉ thị 16 giãn cách xã hội áp dụng cho toàn bộ TP HCM, tuy nhiên vừa qua một số quận, huyện lập chốt kiểm tra giấy tờ của người dân dẫn đến ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch Covid -19 là không tránh khỏi, về vấn đền này sở đã chỉ đạo như thế nào?
- Tinh thần của Chỉ thị 16 nêu rõ, chỉ cho phép ra đường trong những trường hợp thực sự cần thiết, có lý do chính đáng. Nếu ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị kiểm tra, xử phạt đúng theo quy định về yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Vấn đề giao thông, đi lại, Sở GTVT cũng đã có hướng dẫn rất kỹ, được các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi suốt những ngày qua. Vừa qua một số quận, huyện lập chốt kiểm tra giấy tờ của người dân dẫn đến ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch Covid-19, cụ thể là tình trạng ùn ứ cục bộ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp), lãnh đạo TP HCM cũng đã nắm và kịp thời chỉ đạo Sở GTVT phối hợp giải quyết nhanh, tránh tái diễn.
Để triển khai thực hiện các biện pháp về giao thông vận tải trong phòng, chống dịch, Sở GTVT đã tham mưu để UBND thành phố ban hành nhiều công văn gửi các sở, ngành của thành phố về tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp về giao thông vận tải trong phòng, chống dịch trên địa bàn TP HCM và công văn gửi UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tăng cường công tác phối hợp về giao thông vận tải trong thời gian TP HCM triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các địa phương đã điều chỉnh việc kiểm soát tại các chốt trên địa bàn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và không còn thực hiện công tác kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 khi lưu thông trong địa bàn TPHCM.