Tháng 6 tới đây, TP HCM sẽ khai trương tuyến buýt đường thủy đầu tiên từ khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) đi phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), dọc theo tuyến sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 11km. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước mắt giao thông đường thủy của TP HCM còn nhiều khó khăn.
Mặc dù có hàng trăm tuyến sông ngòi, kênh rạch với chiều dài gần 1.000km nhưng nhiều năm qua, giao thông đường thủy ở khu vực TP HCM vẫn chỉ dừng lại ở một vài chuyến vận tải hành khách du lịch với công suất rất nhỏ. Đặc biệt, nếu so với vận tải hàng hóa đường thủy thì vận tải hành khách chưa phát triển tương xứng, luôn trong tình trạng èo uột vì các dự án chậm trễ trong công tác triển khai.
Nằm trong phương án giải quyết ùn tắc giao thông ở thành phố trong những năm tới, việc phát triển các tuyến xe buýt, hay taxi đường sông với hệ thống tàu thuyền chở khách luôn được coi là ưu tiên hàng đầu cũng như sự mong chờ của người dân. Điều này càng thuận lợi hơn giao đường thủy vừa có chức năng vận tải, vừa có thể làm du lịch kết hợp.
Thậm chí, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngay cả việc kết nối vận tải hành khách đường thủy với các tỉnh lân cận cũng vô cùng dễ dàng để tới trung tâm TP HCM. Ví dụ, các tuyến sông lớn như sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè hay tuyến kênh Tàu Hũ…, việc xây dựng các tuyến xe buýt đường sông, du lịch sông nước là hoàn toàn khả thi. Nếu so sánh về quãng đường di chuyển, đường thủy cũng ngắn hơn và dễ dàng hơn nhiều so với đường bộ ở cùng địa điểm. Bên cạnh đó, với lợi thế tự nhiên là không phải xây dựng hệ thống hạ tầng như đường sá, giải phóng mặt bằng tốn rất nhiều chi phí và thời gian, hệ thống vận tải hành khách bằng đường sông được kỳ vọng rất nhiều khi mà tình trạng ùn tắc đang diễn ra ở nhiều nơi.
Mặc dù vậy, theo một DN vận tải, thực tế ở TP HCM lại không dễ đầu từ vào vận tải đường thủy. Cụ thể, chi phí để phát triển dịch vụ vận tải đường thủy luôn cao hơn đường bộ rất nhiều. Nếu một chiếc xe buýt chở được 50 hành khách chỉ cần đầu tư khoảng 2 tỷ đồng thì với lượng khách tương tự, phải đầu tư một chiếc thuyền với số tiền gấp hàng chục lần. Thế nên, nếu giá vé vận tải đường thủy mà cao tương ứng như vậy so với giá vé xe buýt thì chắc chắn sẽ không có khách đi tàu. Để DN đầu tư, phát triển hệ thống giao thông đường thủy nhằm giảm ùn tắc giao thông thì buộc thành phố phải có các chính sách ưu đãi hoặc đơn giản hơn là trợ giá để thu hút người dân.
Ngoài ra, theo chuyên gia giao thông, bên cạnh giá vé, việc đầu tư lại hệ thống cảng neo đậu, lên xuống cho hành khách cũng cần được ưu tiên, chú trọng. Hiện nay hệ thống cảng ở thành phố chủ yếu phục vụ các ghe thuyền vận tải hàng hóa, không thể phục vụ hành khách được. Để thu hút người dân tham gia đi lại bằng đường thủy, cần xây dựng lại hệ thống cảng, cũng như kết nối với giao thông đường bộ. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều năm qua, hệ thống giao thông đường thủy phục vụ người dân không được triển khai hiệu quả, do tạo ra các điểm kết nối đường thủy, đường bộ là rất khó khăn. Ngoài ra, vấn đề an toàn cho hành khách di chuyển trên các tuyến đường thủy cũng được quan tâm.