“Đất nước phát triển, cần thêm ngày càng nhiều những huyết mạch giao thông đồng bộ và hiện đại” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, công tác đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, do Bộ GTVT tổ chức, chiều 4/1, tại Hà Nội.
Cầu Nhật Tân, Hà Nội.
Giao thông Việt Nam tăng 36 bậc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong giai đoạn 2011 – 2015, ngành GTVT đã huy động nhiều nguồn lực nhất ngoài NSNN để đầu tư xây dựng cơ bản, kết cấu hạ tầng. Hàng nghìn công trình đồng bộ và hiện đại không chỉ tại các đô thị, mà cả khu vực nông dân nông thôn đã ra đời, tạo sự liên thông, tương tác để phát triển kinh tế, xã hội.
Đây cũng là ngành đi đầu trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cải cách thể chế hành chính, tạo sự thuận lợi cho người dân. Đặc biệt, ngành GTVT đã góp phần kiềm soát hiệu quả TNGT, giảm sâu ở cả 3 tiêu chí, đồng thời từng bước khắc phục ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, GTVT tăng 36 bậc trên thế giới, càng thêm khẳng định sự phát triển ổn định của đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. “Ổn định nền kinh tế vĩ mô, 3 khâu đột phá triển lược mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế, có sự đóng góp to lớn của ngành GTVT nói riêng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngành GTVT phát huy và đột phá trong giai đoạn tiếp theo, vững bước đưa đất nước phát triển. Ở đây, cần sự toàn tâm, toàn ý, không nóng vội và chạy đua theo thành tích”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Xây mới, nâng cấp, cải tạo 4.400 km đường bộ
Trong 5 năm 2011-2015, ngành GTVT đã bảo đảm không dàn trải, không phát sinh nợ đọng, rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... đã tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án. Trong giai đoạn này, đã thu hút, ký kết được 6,24 tỷ USD vốn ODA cho 33 dự án, kêu gọi đầu tư ngoài NSNN cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông 327.110 tỷ đồng trên tổng số 379.000 tỷ đồng được huy động từ trước tới nay. Trong đó chỉ tính riêng đường bộ được 186.660 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, tính đến nay, ngành GTVT đã hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển đã được Nghị quyết số 13-NQ/TW xác định. Đó là đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước sớm hơn 1,5 năm so với kế hoạch, hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau sớm hơn 1 năm so với dự kiến. Đã có 704 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt 104 km so với mục tiêu Nghị quyết đề ra). Giai đoạn 2011 - 2015 đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 m dài cầu đường bộ.
Đã triển khai các dự án cải tạo cầu yếu, thông tin tín hiệu, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đưa vào khai thác đường sắt kết nối vào cảng Cái Lân... Đồng thời, đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ 1,435m đoạn thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, lập dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu để kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, các lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng không, giao thông đô thị, giao thông nông thôn, đường thủy nội địa, vận tải... có những bước nhảy vọt đáng ghi nhận.
Đến năm 2020, nối thông cao tốc Bắc - Nam
Tuy nhiên, phần việc của ngành GTVT còn nhiều nặng nề, thách thức. Theo đó, từ nay đến năm 2020, ngành GTVT phấn đấu có từ 2.000 km đến 2.500 km đường cao tốc để cơ bản nối thông cao tốc Bắc – Nam. Hoàn thành và tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế lớn, kết nối với các cảng biển, sân bay cửa khẩu.
Triển khai dự án Logictics đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thành 601 km đường Hồ Chí Minh để cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh. Nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng. Tiếp tục đầu tư các tuyến đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới.
Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1,435 m. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Triển khai đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ khu bến cảng Lạch Huyện...
“Khối công việc đồ sộ cần sự quyết đoán dám nghĩ, dám làm, sáng tạo của không chỉ ngành GTVT, trong sự phát triển chung của đất nước.
Trách nhiệm nặng nề, nhưng là sự vinh dự, cần thêm sự đồng lòng của toàn ngành giao thông”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã trao tặng huân chương Lao động Hạng 3 cho ông Nguyễn Văn Thể, nguyên thứ trưởng Bộ GTVT, Bí thư tỉnh Sóc Trăng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia. Trao tăng cờ thi đua xây dựng phát triển giao thông nông thôn, miền núi cho 4 tỉnh, 9 huyện và 1 thị xã. Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng cờ thi đua cho 31 tập thể ngành GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2015. Bộ GTVT đã trao tặng hàng trăm bằng khen cho cá nhân và tập thể.
Nâng cấp mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên là Dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với 116.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD. Số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, khi Dự án cơ bản hoàn thành, đầu tư vào Tây Nguyên đã tăng đột biến với hơn 16.000 tỷ đồng. Giảm ít nhất 7-10 giờ thời gian chạy xe, đối với tuyến Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh đã giảm ít nhất 3-4 giờ thời gian chạy xe. |