Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà (Đà Nẵng) vừa chuyển cơ quan Công an hồ sơ vụ một nhân viên của đơn vị này biển thủ 22 quyền sổ đỏ của dân. Trong bản tường trình với cơ quan chức năng, nhân viên văn phòng đăng ký đất đai khẳng định đã cho một người quen “mượn” 22 quyền sổ đỏ trên, nhưng giờ không liên lạc được với người đó để đòi lại. Cách lý giải trên hết sức khiên cưỡng, khó có thể chấp nhận, bởi chẳng ai dại gì lấy sổ đỏ cho người khác “mượn”. Thật đúng là giao trứng cho ác.
Cụ thể, trong quá trình rà soát định kỳ đối với hồ sơ quá hạn giải quyết các loại thủ tục hành chính về đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà nhận thấy có một số trường hợp hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất đã quá hạn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong danh sách quá hạn có 22 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp công dân đã nộp thuế nhưng chưa được trả kết quả. Tuy nhiên, trong hồ sơ 22 trường hợp trên không có bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công dân.
Ngay khi phát hiện sự việc, Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà đã yêu cầu nhân viên Dương Thị Ngọc Anh (người được giao xử lý hồ sơ) giải trình. Nhân viên Dương Thị Ngọc Anh đã chủ động xin nghỉ việc. Liên quan đến vụ việc, dư luận TP Đà Nẵng kháo nhau rằng những quyển sổ đỏ bị nhân viên Dương Thị Ngọc Anh tuồn ra bên ngoài đang được rao bán công khai trên mạng. Tuy nhiên, chiếu theo quy định của pháp luật thì những quyển sổ đỏ trên sẽ vô giá trị nếu chủ sở hữu không đồng ý giao dịch.
Nếu “căng dây, kẻ chỉ” theo quy định của pháp luật, các loại giao dịch như sang nhượng, cho, tặng... mà người đứng tên trên sổ đỏ không ký hợp đồng công chứng thì đều không thể chuyển sang tên người khác. Song, trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp bị mất đất, mất nhà dù người chủ đích thực không hề ký hợp đồng công chứng hay ủy quyền cho ai sang tên quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Trong những trường hợp này, người chiếm đoạt đã có sự thông đồng với công chứng viên làm giả chữ ký.
Đó chính là lý do mà hiệu cầm đồ hay những kẻ cho vay nặng lãi không cần biết đến “chính chủ” của sổ đỏ, bất cứ ai cũng có thể mang sổ đỏ đến cầm cố và sẽ được chi “tiền tươi, thóc thật” ngay. Vì thế, vô phúc gia đình nào có đứa con hư thiếu tiền “chích choác”, đánh bạc, mang sổ đỏ đến hiệu cầm đồ hoặc các đường dây cho vay nặng lãi cầm cố sẽ lập tức được tiếp nhận. Tất nhiên, cầm cố sổ đỏ dễ dàng như vậy cũng có cái giá của nó, thay vì vay được khoảng 60-70% giá trị, thì chỉ vay được khoảng 10-30%.
Mặt tích cực khi mở rộng đối tượng được phép công chứng là tư nhân, không bó hẹp ở công chứng nhà nước chính là giảm thiểu sự quá tải của các văn phòng công chứng nhà nước, giảm sự phiền hà, đi lại tốn kém thời gian, tiền bạc cho dân. Song, mặt tiêu cực là một số văn phòng công chứng làm ăn không đàng hoàng, một số công chứng viên không tuân thủ pháp luật, dẫn đến việc ký hợp đồng công chứng không đúng sự thật. Hậu quả là nhà đất hợp pháp của công dân bỗng nhiên chuyển sang tên người khác.
Ở đây có hai trường hợp có thể xảy ra, hoặc là công chứng viên và văn phòng công chứng cố tình vi phạm pháp luật, giúp đối tượng chiếm đoạt làm giả chữ ký của khổ chủ. Hoặc, công chứng viên sơ ý không kiểm tra CMND, căn cước... của người ký hợp đồng công chứng, văn phòng công chứng lại quá tin tưởng công chứng viên dẫn đến việc vô tình tiếp tay cho đối tượng chiếm đoạt tài sản. Ở cả hai trường hợp trên, nếu chủ nhà đất tố cáo, công chứng viên và văn phòng công chứng sẽ gặp rắc rối to với pháp luật.
Trở lại câu chuyện nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà cho người quen “mượn” 22 quyển sổ đỏ. Nếu thực sự có một đường dây chuyên lừa đảo, chiếm đoạt nhà, đất của người dân, lại có sự tham gia của một hoặc vài văn phòng công chứng, thì hậu quả sẽ là khôn lường. Trong khi công dân vẫn đinh ninh sổ đỏ của mình đang nằm ở cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính, thì quyển sổ đỏ đã “lang thang, chu du” khắp nơi, thậm chí đã được sang tên cho người khác.
Người dân có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra được khi nộp sổ đỏ cho cơ quan nhà nước lại có thể “mất”. Đó là lý do dù có quá hạn một thời gian thì cũng ít người lo lắng, lùng sục hỏi thăm xem sổ đỏ của mình đang ở đâu, đã giải quyết xong thủ tục hành chính chưa. Và đó là kẽ hở để Dương Thị Ngọc Anh lợi dụng, tuồn sổ đỏ ra ngoài thị trường. Xác định đây là vụ việc phức tạp, Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà đã báo cáo cấp trên và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Hiện, Công an TP Đà Nẵng đã thụ lý điều tra vụ việc đánh cắp sổ đỏ của nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà. Hy vọng, CQĐT sớm tìm lại được số sổ đỏ trên, hoặc có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho công dân. Với những kẻ có liên quan đến vụ việc này cần bị xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, tránh để trở thành “tiền lệ xấu” cho những người khác “học theo”, làm tổn hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.