Giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Hơn cả là tình yêu thương

Phương Linh 27/11/2015 00:26

“Động lực lớn nhất đối với tôi là khi thấy các cháu được đến trường hoà nhập, tự tin bước vào trường tiểu học, theo kịp các bạn. Xóa đi mặc cảm đối với các bậc phụ huynh, không còn mặc cảm khi thấy con mình là trẻ khuyết tật. Qua tất cả là sự tin tưởng của họ dành cho các thầy cô, từ đó các phụ huynh khác cũng tin tưởng hơn để đưa con đến trường học hòa nhập”, một cô giáo dạy trẻ khuyết tật.

Giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Hơn cả là tình yêu thương

Nhìn các em ngày một trưởng thành là niềm vui của giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

Sáng 26/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong giáo dục học sinh (HS) khuyết tật toàn quốc lần thứ 3. 194 nhà giáo đã được vinh dư nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong số này có 57 là cán bộ quản lý, 137 giáo viên các cấp học.

Động lực vượt qua những khó khăn

Không chỉ là Lễ tuyên dương, trao bằng khen, đây còn là dịp để các thầy cô giáo trò chuyện đầy cởi mở. Họ cùng bàn với nhau về công tác nuôi dạy trẻ khuyết tật từ mầm non đến THPT. Dạy trẻ bình thường đã khó, vậy làm cách nào để các thầy cô có thể dạy được trẻ khuyết tật, hơn nữa còn dạy tốt?

Cô giáo Hà Ngọc Bích - giáo viên Trường Mầm non Văn Nham (Hữu Lũng, Lạng Sơn) chia sẻ: Là giáo viên mầm non dạy ở miền núi, tới 90% là trẻ em dân tộc thiểu số nên chúng tôi gặp không ít khó khăn. Với trẻ ở đây thì khó khăn lớn nhất là do quan điểm giáo dục từ chính phụ huynh, cũng như các cháu. Đa số bố mẹ đều tự ti không muốn cho các cháu đến trường học, không muốn cho giao tiếp vì quan điểm “dạy trẻ bình thường đã khó rồi thì làm sao các cháu khuyết tật theo kịp được”.

Để vượt quan rào cản tâm lý này, cô Bích đã phải cố gắng rất nhiều. “Từ trong ánh mắt các cháu bé khuyết tật mà chúng tôi tiếp xúc, đều toát lên niềm mong muốn được tham gia vui chơi hoà đồng mà không được. Chúng tôi đã đến tận gia đình vận động cho các cháu đến học hoà nhập. Khi các cháu đến trường rồi chúng tôi cũng quan tâm và thường xuyên theo dõi từng hoạt động để xem cháu tiếp thu được những gì” - cô Bích chia sẻ.

Cô Trần Thị Mão - giáo viên Trường Tiểu học Quế Nham (Tân Yên, Bắc Giang), với kinh nghiệm 10 năm dạy trẻ khuyết tật cũng xúc động kể rằng: Có những em tôi dạy đến nay đã 20 tuổi rồi. Với các em tôi vẫn nhớ lắm những ngày đầu tiên vào lớp học.

Cô Mão cho biết thêm, HS khuyết tật mà cô dạy có nhiều em đến nay có em đi làm may, có em làm công nhân, và thường gọi điện về trò chuyện cùng cô giáo. Những động lực ấy đã tiếp thêm cho cô sức mạnh, để dạy dỗ nhiều hơn những thế hệ HS không may mắn.

Ở những cấp học lớn hơn, sẽ có nhiều giáo viên bộ môn trong một lớp, đó cũng là khó khăn lớn để quan tâm sát sao tới những HS này. Cô Võ Thị Hải Nam - giáo viên Trường THCS Hùng Vương (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: Đối với cấp THCS và THPT để tất cả đồng nghiệp cùng am hiểu về giáo dục hoà nhập thì rất khó. Với bản thân tôi khi được tập huấn về thì tổ chức tập huấn lại cho đồng nghiệp. Trong quá trình sinh hoạt giảng dạy cũng thường xuyên trao đổi với giáo viên bộ môn. Chúng tôi tìm ra được những điểm mạnh yếu của mỗi HS khuyết tật để có mục tiêu cho mỗi em cụ thể, vận dụng phương pháp để cho kết quả tốt nhất với từng em.

Phương pháp để trẻ hòa nhập tốt

Tiếp tục chia sẻ, cô Bích tâm sự: Ngoài trách nhiệm của một giáo viên, những người làm nghề giáo như chúng tôi còn cần có tình yêu thương trẻ. Đối với trẻ bình thường cần quan tâm chăm sóc, với trẻ khuyết tật cần nhiều hơn nữa sự quan tâm chăm sóc đặc biệt.

“Động lực lớn nhất đối với tôi là khi thấy các cháu được đến trường hoà nhập, tự tin bước vào trường tiểu học, theo kịp các bạn. Xóa đi mặc cảm đối với các bậc phụ huynh, không còn mặc cảm khi thấy con mình là trẻ khuyết tật. Qua tất cả là sự tin tưởng của họ dành cho các thầy cô, từ đó các phụ huynh khác cũng tin tưởng hơn để đưa con đến trường học hòa nhập”.

Cô Mão cũng đưa góp ý: Việc đầu tiên để các cháu học hòa nhập rất khó. Chúng tôi có tổ chức trò chơi bịt mắt đoán bạn. Cho các cháu sờ mặt bạn, tay bạn, để những HS khuyết tật đoán đúng tên bạn. Và sau đó cô giáo tuyên dương trước lớp, nói rằng việc đoán trúng tên bạn nghĩa là tình cảm của người bạn bình thường này đã truyền sang bạn HS khuyết tật nên bạn đoán đúng tên…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nói về mong muốn của mình, cô các thầy cô vẫn chỉ một lòng nghĩ đến việc làm sao để ngày càng giúp đỡ được nhiều HS khuyết tật, làm sao để các em được học tốt hơn. “Chúng tôi chỉ mong có được nhiều buổi giao lưu để được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, cũng như mong muốn sẽ có thêm nhiều tài liệu để dạy HS khuyết tật” - cô Mão nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên dạy trẻ khuyết tật: Hơn cả là tình yêu thương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO