Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa năm học 2019-2020 sẽ chính thức khai giảng. Số phận của hơn 2.000 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội sẽ ra sao sau hàng loạt chỉ đạo của các cơ quan chức năng? Liệu việc giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng nhiều năm bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển có thể thực hiện kịp trong năm học này để các thầy cô yên tâm giảng dạy, cống hiến?
Cần có tiếng nói để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những giáo viên hợp đồng.
Lơ lửng
Báo cáo của Sở GDĐT Hà Nội tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019-2020 đề cập đến một số vấn đề còn khiến người dân bức xúc cần giải quyết dứt điểm tồn tại, trong đó có việc việc xét tuyển giáo viên hợp đồng nhiều năm. Qua rà soát có khoảng hơn 2.000 giáo viên hợp đồng lâu năm cần giải quyết vào biên chế.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời Hà Nội có thể thực hiện xét tuyển theo thẩm quyền. Một số điều kiện cụ thể đi kèm bao gồm: Thứ nhất là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây. Thứ hai là có kiểm tra đảm bảo sức khỏe. Thứ ba là có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế một số huyện như Mỹ Đức, giáo viên hợp đồng dù công tác lâu năm vẫn không hề được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Cụ thể, từ hàng chục năm nay, các giáo viên hợp đồng tại đây chỉ được ký hợp đồng thời vụ 3 tháng và không được đóng BHXH. Lãnh đạo huyện cho biết do ngân sách không đủ để đóng. Đồng thời, nếu đóng BHXH, khi giáo viên không đỗ viên chức, thì cũng rất khó giải quyết. Vấn đề được “đẩy lại” về phía các trường! Còn người lao động, khi nghe tin giáo viên hợp đồng có cơ hội được xét đặc cách thì không khỏi xót xa.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai năm học mới 2019-2020 của Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung một lần nữa đề nghị các ngành liên quan trong năm học này giải quyết dứt điểm, không để còn tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm. Trong đó, sẽ xem xét bao gồm cả những trường hợp không được đóng BHXH tại huyện Mỹ Đức. Một quyết định nhân văn khiến những giáo viên hợp đồng vốn được ví với thân phận “con nuôi” lại nhen nhóm lên hy vọng.
Mong sớm giải quyết dứt điểm
Sáng 15/8, tại Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức một lần nữa khẳng định Công đoàn các nhà trường, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội cùng với Liên đoàn Lao động thành phố và Công đoàn ngành, cần có tiếng nói để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là những giáo viên hợp đồng.
Trên thực tế, số phận của những giáo viên hợp đồng luôn được ví với thân phận “con nuôi” khi mức lương thấp, nhiều người chỉ 1,2 triệu đồng/tháng trong khi mọi chế độ khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… không được đóng. Thưởng không, phụ cấp không trong khi thời hạn hợp đồng theo kiểu 3 tháng ký lại một lần như nhiều giáo viên phản ánh thời gian qua thực chất không thể khiến bất cứ giáo viên nào yên tâm với công việc giảng dạy, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục như kỳ vọng của xã hội đặt lên vai họ.
Có thực mới vực được đạo. Chỉ đạo của thành phố đã có nhưng việc lựa chọn tuyển dụng giáo viên theo hình thức thi hay xét tuyển lại hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của UBND các quận, huyện, thị xã. Cụ thể, theo quyết định số 3455/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 1 và Khoản I phần B. Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của UBND thành phố Hà Nội, giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét thực hiện việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định điều kiện được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp đặc biệt.
Sau khi rà soát số lượng giáo viên hợp đồng và thực hiện việc xét tuyển đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã lựa chọn tuyển dụng giáo viên bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo các quy định tại Khoản 3, Khoản 5 Điều 2 của Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khi chỉ còn 20 ngày nữa là khai giảng năm học mới, nhiều giáo viên hợp đồng vẫn chưa có bất kỳ bảo đảm nào vào việc có được ký tiếp hợp đồng hay không? Liệu có được xét đặc cách hay thi tuyển kết hợp xét tuyển, thi tuyển có ưu tiên hay nếu đăng ký thi tuyển thì chỉ tương đương với các thí sinh tự do khác? Bởi hầu hết các quận huyện cho biết vẫn chưa nhận được chỉ đạo bằng văn bản của thành phố nên chưa thể có chính sách ưu tiên gì với giáo viên hợp đồng.
Mục tiêu “giải quyết được tất cả những tồn đọng trong vòng khoảng 20 năm qua về vấn đề để giáo viên hợp đồng quá lâu; tạo sự ổn định đối với toàn bộ hệ thống giáo viên của thành phố để họ yên tâm dạy học…” như lời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu liệu có được hiện thực hóa trong thời gian sắp tới?
Như tâm sự của thầy Nguyễn Viết Tiến (giáo viên hợp đồng ở thị xã Sơn Tây) cũng là nỗi lòng của hàng nghìn giáo viên hợp đồng của Hà Nội: “Năm học mới sắp bắt đầu. Tôi và giáo viên hợp đồng toàn TP.Hà Nội lòng như lửa đốt khi thành phố vẫn chưa có quyết định hình thức tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019… Tôi mong muốn thành phố chỉ đạo xét tuyển công khai, minh bạch gần 800 giáo viên hợp đồng trên 5 năm, rồi thi tuyển với số giáo viên còn lại, để giáo viên chúng tôi không phải “mừng hụt”, tiếp tục gắn bó với bục giảng, cống hiến cho nền giáo dục thủ đô”.