Giáo viên tiểu học khó tìm việc

Nguyễn Hà 30/11/2016 07:05

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo dự án MEXT/UNESCO Tham vấn kết quả nghiên cứu về phân bổ giáo viên tiểu học.

Giáo viên tiểu học khó tìm việc

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo.

Đây là Dự án do UNESCO Bangkok phối hợp với ĐH Kobe, dưới sự hỗ trợ tài chính của Bộ Giáo dục, văn hóa, Thể thao, Khao học và Công nghệ (MEXT) Nhật Bản.

Dự án hướng tới mục tiêu cung cấp cho các nước thành viên những minh chứng cũng như lựa chọn chính sách để cải thiện chính sách GV, đặc biệt việc xây dựng một chiến lược phân bổ giáo viên hiệu quả cho cấp tiểu học trong khối các nước Đông Nam Á.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Việt Nam đang tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Do đó, những kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng trong việc phát triển đội ngũ giáo viên Việt Nam, đặc biệt là giáo viên tiểu học.

Thông qua Hội thảo này, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả khảo sát sơ bộ của nhóm nghiên cứu kết quả tham vấn cho chiến lược phát triển giáo viên tiểu học ở Việt Nam, từ nghiên cứu 3 địa phương là Hà Nội, Vĩnh phúc và Hòa Bình.

Ngoài ra, tổ nghiên cứu đã nghiên cứu thêm một vài nước ASEAN, đặc biệt là Lào và Campuchia để có kết quả so sánh, từ đó đề xuất, kiến nghị các nhà hoạch định chính sách cũng như Bộ GD&ĐT trong việc đưa ra chính sách, phân bổ đội ngũ GV tiểu học, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học.

Tại hội thảo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ về phân bổ giáo viên tiểu học ở Việt Nam.

Theo đó, ở thành thị, sĩ số lớp thường vượt so với qui định, khiến khối lượng công việc của giáo viên nhiều hơn, khó quản lý chặt chẽ tới từng học sinh, do đó chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.

Cơ chế tuyển dụng và phân bổ giáo viên hiện nay có thể không đáp ứng được mật độ tập trung dân số cao và tăng cơ học ở các vùng thành thị, nhất là khu trung tâm hay khu công nghiệp.

Phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con nên đòi hỏi cao hơn về phía nhà trường cũng như giáo viên, khiến giáo viên làm việc vất vả hơn. Hơn nữa, ở thành thị, tỉ lệ cạnh tranh cao, tiêu chuẩn giáo viên cũng cao hơn nên giáo viên khó tìm việc.

Trong khi đó, ở vùng khó, hệ thống phân bố và tuyển dụng giáo viên hiện tại có thể không theo kịp với sự gia tăng số lượng lớp/trường chuyển đổi từ học nửa ngày sang học cả ngày, nhất là vùng khó khăn. Việc luân chuyển giáo viên một cách có hệ thống thường chỉ trong phạm vi huyện.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kiến nghị: Với thành phố cần có chính sách bảo đảm đủ giáo viên theo sĩ số học sinh ở vùng tập trung đông dân cư; có thể trao quyền chủ động cho các trường trong việc tuyển giáo viên; Vùng nông thôn, vùng khó thiếu giáo viên dân tộc thiểu số dạy học sinh dân tộc thiểu số ở một số huyện thì cần có chiến lược thu hút và đào tạo nhiều giáo viên người dân tộc thiểu số; Trung hòa các chính sách phụ cấp vùng khó khăn để giảm sự chênh lệch… Đồng thời xây dựng chính sách và cơ chế để thực hiện luân chuyển GV hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên tiểu học khó tìm việc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO