Việc triển khai các quy định mới về giấy đi đường của Công an TP Hà Nội gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Người dân còn lúng túng
Theo đó, ngày 3/9, Công an TP Hà Nội có văn bản hoả tốc đề nghị các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo các UBND xã, phường, thị trấn phối hợp thực hiện nhanh chóng cấp và kiểm tra giấy đi đường có mã QR Code.
Cụ thể, Công an TP Hà Nội đã hoàn thành và đang từng bước triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho đối tượng đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR Code trên địa bàn TP (cấp và kiểm tra giấy đi đường có QR Code).
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, nhiều người dân vẫn rất hạn chế trong việc tiếp nhận thông tin về quy định mới này. Ông Hoàng Huy Sơn (48 tuổi), một tiểu thương tại chợ Khương Đình (quận Thanh Xuân) cho hay: “Tôi chỉ mới biết đến quy định mới này của TP. Hiện tại cũng chưa được hướng dẫn cụ thể nên không biết phải làm theo các bước nào trong khi 6/9 đã bắt đầu áp dụng, thời gian này lại trùng với đợt nghỉ lễ nên loay hoay không biết phải làm sao”.
Bà Nguyễn Thị Vinh (45 tuổi) cũng là một tiểu thương kinh doanh tại chợ Khương Đình băn khoăn: “Các quy định giấy đi đường cứ được một thời gian lại thay đổi, không biết đâu mà theo kịp. Tôi cũng đang lo lắng không biết có thể cấp kịp giấy đi đường vào ngày 6/9 này không”.
Băn khoăn, lo lắng không chỉ là tâm trạng của người dân mà nhiều doanh nghiệp cũng “rối như tơ” trước quy định mới.
Theo luật sư Thái Phương Quế, Văn phòng luật sư Đồng Đội: “Có nhiều phản ánh cho rằng quy định này vẫn khiến người dân, doanh nghiệp hoang mang, khó hiểu trong quá trình thực hiện thủ tục xin xác nhận, điều này có thể khó khăn trong những tình huống khẩn cấp. Hơn nữa, quy định này có thể gây ra áp lực quá tải đối với lực lượng công an khu vực, có thể dẫn đến tình trạng thiếu nhân sự vì lực lượng này đang phải phân công lực lượng để thực hiện nhiều công việc trong công tác phòng, chống dịch.
Việc ra văn bản thông báo về giấy đi đường vào ngày nghỉ lễ áp dụng cho đợt giãn cách bắt đầu từ ngày 6/9 là quá gấp, người dân không thể đáp ứng kịp và cơ quan công an khu vực cũng không có đủ lực lượng để xem xét hồ sơ, cấp giấy cho các đối tượng trong thời gian ngắn như vậy.
Hơn nữa việc kiểm tra giấy tờ tại các chốt kiểm soát một số tuyến đường như hiện nay vừa mất thời gian, gây ùn tắc, vừa tăng việc tiếp xúc tại các chốt kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao”.
Tuy nhiên, bà Lê Khánh Giang, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Việc triển khai cấp giấy đi đường có mã QR Code giúp quản lí tốt hơn, giảm tải hệ thống, sẽ hạn chế được tình trạng người dân ra ngoài. Trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ tồn tại những khó khăn, tuy nhiên khó khăn đến đâu thì gỡ rối đến đấy”.
Cũng theo bà Giang, hiện UBND và công an phường Đồng Tâm đã tiến hành các hướng dẫn của TP Hà Nội như lập mail, bố trí máy tính, con người để chuẩn bị cấp giấy đi đường theo quy định mới… Chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an sẽ hỗ trợ tốt nhất cho người dân, thực hiện cấp giấy đi đường nhanh nhất có thể.
“Hiện nay hệ thống dữ liệu quản lí cũng đã tương đối đầy đủ nên việc sắp xếp thời gian để lực lượng cảnh sát khu vực thực hiện song song hai việc vừa cấp giấy đi đường cho người dân, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch là hoàn toàn có thể, không có chuyện quá tải.
Việc cấp giấy đi đường mới này cũng là giao quyền cho các công ty, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Trước đây, nhiều đơn vị cấp giấy sai quy định, sai cung đường… Nên việc thay đổi này phù hợp trong thời điểm này”, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm khẳng định.
Hà Nội vẫn chưa rút được kinh nghiệm…
Ở một diễn biến khác, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa 14 cho biết: “Việc tiếp tục triển khai các quy định mới về giấy đi đường trong thời điểm này là không thiết thực, các biện pháp không có tính “tầm cao”.
Thứ nhất, nó làm tăng thêm việc cho một số cơ quan, đơn vị Nhà nước. Trong khi bản thân lực lượng này đã có biết bao nhiêu việc trong công tác phòng, chống dịch, giờ phải lo thêm cả giấy đi đường…
Thứ hai là việc cấp giấy đi đường mới vẫn rất lòng vòng qua các thủ tục từ công an rồi Ủy ban, gây khó khăn cho cả người dân lẫn doanh nghiệp…”.
Cũng theo TS luật Lưu Bình Nhưỡng, quy định mới này tuy góp phần phòng, chống dịch nhưng cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh, dễ tái diễn tình trạng đám đông như đã xảy ra trước đây. Ngoài ra còn làm tăng thêm các chi phí, gây tốn kém cho xã hội mà không giải quyết vấn đề được triệt để.
“Dư luận vẫn có thể đặt câu hỏi liệu đây có phải một loại giấy phép con? Tại sao phải ra mẫu mới làm gì trong khi không có nhiều tác dụng? Theo tôi, có nhiều khả năng Hà Nội vẫn chưa rút được kinh nghiệm từ lần trước dẫn đến lần này quy định mới gặp phải nhiều sự phản đối của người dân.
Điều quan trọng nhất hiện nay là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, là tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, là tổ chức xét nghiệm diện rộng, bệnh viện dã chiến, tổ chức an sinh xã hội, tổ chức sản xuất để quản lý địa bàn dân cư… chứ không phải quản lí giấy đi đường. Cán bộ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức chính trị, phải sáng tạo, sáng kiến để sống chung với dịch”, nguyên ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết nối cho rằng, rõ ràng thời gian vừa qua mặc dù có quy định về việc cấp giấy đi đường, nhưng thực tế số lượng người lưu thông trên đường là rất nhiều, trong số này cũng có rất nhiều trường hợp Doanh nghiệp cấp giấy đi đường không đúng quy định, cấp sai đối tượng. Điều này có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh Covid-19.
Về việc siết chặt giấy đi đường là cần thiết, nhất là khi TP Hà Nội ban hành quy định chặt chẽ hơn đối với vùng đỏ (nguy cơ lây nhiễm cao nhất). Tuy nhiên, về cách thức triển khai cho thấy sự bất cập, bất hợp lý, dẫn đến khó triển khai trong thực tế. Điều này đã được phản ánh trên phương tiện truyền thông rất nhiều trong những lần TP Hà Nội quy định việc xác nhận giấy đi đường của UBND xã/phường.
Việc giao cho Cảnh sát khu vực tiếp nhận hồ sơ, trước đây giao cho UBND phường tiếp nhận và cấp là như nhau, cũng không có gì cải tiến, thay đổi mới. Đây lại là một thách thức, khó khăn nữa cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc phải đi hoàn thiện, xin cấp phép giấy đi đường. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu nhiều người tiếp xúc với Cảnh sát khu vực. Có thể thấy, quy định này gây quá nhiều khó khăn, phiền phức cho Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Trong khi đó, để thẩm định, tập hợp hồ sơ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng cần khá nhiều thời gian, Cảnh sát khu vực có thể rơi vào tình trạng quá tải khi phải thực hiện công việc trong thời gian quá ngắn, gấp như vậy.
“Thiết nghĩ rằng, việc nộp hồ sơ, đăng ký cấp giấy đi đường cần mở rộng nhiều kênh liên lạc, nhiều hình thức liên lạc, tạo ra sự thông thoáng, dễ triển khai và vẫn đảm bảo được nguyên tắc quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước”, luật sư đề xuất.