Đó là câu cửa miệng các bậc phụ huynh trong khu chung cư nhà tôi ở hỏi khi gặp nhau ngoài hành lang, trong thang máy, dưới sân chơi suốt tuần vừa rồi. Thậm chí, có chị đề xuất hay là đem giấy khen của bọn trẻ dán lên bảng thông báo của tòa nhà để xem nhà trường, các thầy cô giáo sáng tạo đến đâu trong cách khen lũ trẻ!
Chuyện nhà nhà có giấy khen, người người có giấy khen thì từ thế hệ cuối 8X chúng tôi đi học đã có rồi. Điều gây tranh cãi ở đây là nội dung ghi trên giấy khen hiện nay quá mới lạ với hiểu biết truyền thống của hầu hết mọi người. Thay vì ghi thống nhất một kiểu khen ngợi em A. đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như trước đây thì nay mỗi tờ giấy khen là một sự sáng tạo. Nào là “Đạt thành tích về phẩm chất”, “Đạt thành tích nổi bật về môn Toán”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Nổi bật về năng lực tư duy”…
Điều lạ nhất là cả toà nhà với gần 100 hộ gia đình có đến hơn 20 học sinh tiểu học nhưng dường như không cháu nào nhận được lời khen giống cháu nào. Thế là để hiểu con mình được khen thế nghĩa là thế nào, cùng với việc tìm hiểu học lực cụ thể của con đang nằm trong top bao nhiêu của lớp, bố mẹ chỉ có một cách duy nhất là gọi điện trao đổi lại với cô giáo chủ nhiệm, nếu không thì mù tịt!
Căn bệnh so sánh con nhà mình với con nhà hàng xóm của nhiều bậc phụ huynh lần này đã không được phát huy có lẽ cũng là niềm vui của nhiều trẻ. Nhưng tờ giấy khen ấy có thực chất đến đâu, có tạo được động lực cho con trẻ tiếp tục cố gắng hay không lại là chuyện khác. Bởi với cách khen “loạn xà ngầu” như hiện nay, có lẽ chính các thầy cô giáo cũng thấy oải vì phải “lựa lời” sao cho học sinh nào cũng được khen, mà phải khen đúng kẻo phụ huynh thắc mắc. Còn phụ huynh và học sinh dù có được giải thích cũng khó tránh khỏi thắc mắc, kiểu khẩu phục nhưng tâm chưa phục.
Lại nghĩ đến câu trả lời của cháu học sinh ở cạnh nhà tôi mà chạnh lòng: “Mẹ cháu bảo dù giấy khen có ghi gì thì tối vẫn phải hoàn thành bài tập cô giáo giao và thêm hai bài toán trong sách nâng cao. Có như thế mới là con ngoan, trò giỏi”.