Hạn mặn kéo dài khiến nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL thiếu nước ngọt trầm trọng, những lúc này người dân lại tìm đến những giếng cổ để lấy những dòng nước trong mát mà họ đã lãng quên từ lâu, hàng trăm hộ dân được “giải khát” trong cơn đại hạn, mặn.
Đông đảo người dân thành phố Rạch Giá đến giếng cổ phường Vĩnh Quang lấy nước ngọt về sử dụng.
Vài năm gần đây hạn hán và xâm nhập mặn khiến cho người dân TP Rạch Giá, Kiên Giang thiếu nước ngọt trầm trọng, trong khi nguồn nước máy của công ty cấp thoát nước bị nhiễm mặn không cung cấp đủ cho người dân. Trong khó khăn, thiếu thốn nhiều người dân của Rạch Giá lại tìm đến nguồn nước mát lành ở những giếng cổ mà họ lãng quên từ lâu.
Hàng trăm hộ dân ở thành phố Rạch Giá đã tìm đến giếng cổ nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thuộc khu phố Quang Trung, phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá để múc những nguồn nước ngầm quý giá từ giếng cổ trăm năm tuổi ở khu vực này về sử dụng.
Theo các hộ dân sống gần giếng cổ cho biết, nguồn nước của giếng rất dồi dào. Ngày ngày, dù người dân có múc cạn đáy giếng nhưng chỉ sau một đêm nước lại đầy. Từ xa xưa, đây là nguồn nước chính để người dân sinh hoạt nên người dân rất yên tâm khi sử dụng nguồn nước từ giếng cổ.
Thời gian cao điểm từ khoảng 4hchiều đến 7h tối, có hàng trăm lượt bà con đến đây tắm giặt, lấy nước mang về nhà sử dụng. Anh Nguyễn Văn Phú, người dân ở khu phố Quang Trung gần sát với giếng cổ cho biết: Khoảng 10 ngày qua, nước máy không có để cung cấp cho người dân ở TP Rạch Giá, không còn nước để xài nên nhiều gia đình sống xung quanh đây đến giếng cổ lấy nước về xài.
Nước ở giếng này rất trong, dùng để nấu ăn được. Lâu nay có nước máy lãng quên giếng cổ này, đến khi không có nước máy mới thấy nguồn nước ở giếng này quý giá chừng nào…
Cũng giống như TP. Rạch Giá, đợt hạn mặn kéo dài chưa từng có cả trăm năm nay mới diễn ra ở vùng ĐBSCL, khiến cho Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều mặt, trong đó thiếu nước ngọt sinh hoạt đã làm đảo lộn đời sống của người dân.
Trong đợt hạn mặn này, nhiều người dân huyện Ba Tri lại tìm đến nguồn nước tự nhiên ở giếng cổ nằm bên trong Thánh tịnh Đông Cung Bạch Long thuộc Thánh sở Cao Đài tại ấp An Phú 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, nơi có nguồn nước ngọt quanh năm. Hàng ngày có hàng trăm người dân đến giếng cổ này múc nước về xài, chỉ một hay hai tiếng đồng hồ sau là mực nước lại đầy như cũ.
Giếng cổ có hình bán nguyệt, đường kính khoảng 2m, sâu hơn 5m, nguồn nước ở đây lúc nào cũng trong vắt. Bà Đinh Thị Ló, ấp An Bình, An Hòa Tây, Ba Tri cho biết: Lúc nào thiếu nước thì đến múc về xài. Ai cũng có thể lấy nước ở giếng cổ này. Mạch nước ở giếng cổ này ngọt dữ lắm, ngọt như nước mưa vậy…
Các giếng cổ có từ rất lâu đời, kể cả những người dân sống ở đây không biết được có từ khi nào. Những giếng cổ này đã đồng hành cùng với người dân hàng trăm năm qua nhưng năm nay trở nên thiết thực với bà con.
Ngoài hai giếng cổ ở Rạch Giá (Kiên Giang) và Ba Tri (Bến Tre) này, ở ĐBSCL còn nhiều giếng cổ có từ lâu năm nhưng do nguồn nước máy đầy đủ nên người dân không để ý tới. Tuy nhiên những ngày qua, nhờ có những giếng cổ này đã giải khát cho hàng trăm hộ gia đình, giảm chi phí mua nước ngọt với giá đắt đỏ, giảm bớt phần nào nỗi lo về nước sinh hoạt.