Đặt chân lên vùng miền núi huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chứng kiến cảnh sống của các thầy, cô giáo đang miệt mài “gieo chữ” cho những ước mơ của các em học sinh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, mới thấu hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của họ.
Thầy Lê Đình Thương đang giảng dạy truyền đạt kiến thức cho các em học sinh vùng cao Phước Thành.
Vượt hơn 200 km mới đến Trung tâm huyện miền núi Phước Sơn. Từ đây chúng tôi tiếp tục vượt hơn 4 tiếng đồng hồ để vượt qua những con đường uống cong, gập ghềnh với nhiều dốc đá, trong khi trời mưa như trút nước, đường trơn trợt để đến được với xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.
Đây là xã vùng cao còn rất khó khăn. Nơi đây là vùng đất sinh sống của người dân tộc Giẻ Triêng. Địa bàn rừng núi, đường sá đi lại khó khăn nên cuộc sống người dân ở xã Phước Thành còn nghèo khó, thiếu thốn. Việc học vì thế cũng phần nào xao nhãng.
Chúng tôi ghé vào trường tiểu học và THCS Phước Thành vào những ngày cận kề Nhà giáo Việt Nam 20-11. Thầy Lê Đình Thường (39 tuổi), giáo viên của trường, đã có gần 19 năm công tác và giảng dạy và gắn bó với bà con vùng cao này.
Thầy Thường tâm sự cho biết, sau khi tốt nghiệp trung cấp vào năm 1997 thì thầy xin lên đây công tác.
Các em học sinh mẫu giáo vùng cao trong giờ ra chơi.
Lúc đầu, thầy gặp rất nhiều khó khăn vì thôn bản của người Giẻ Triêng nằm mãi trong rừng sâu, đường dẫn vào thôn chỉ có dốc đá đi lại rất gian nan nên phải đi mất nữa ngày mới đến được các thôn bản để vận động phụ huynh cho các em đi học.
Nhớ nhà cộng với cuộc sống khó khăn đôi lúc khiến thầy nản chí, muốn trở về dưới xuôi. Nhưng chứng kiến cảnh từng em nhỏ sống thiếu thốn mọi thứ so với các em học sinh ở dưới xuôi, có nhiều em cũng rất ham học nên thầy thương các em và đã quyết tâm ở lại nơi này.
Còn một cô giáo tâm sự: “Em quê ở huyện Thăng Bình, từ ngày đầu lên đây thấy cảnh núi rừng mà lại hay mưa nhớ nhà khóc mãi. Thế nhưng thấy học trò mình thương quá, thế rồi dần dần quen được. Đến giờ thì yêu lắm vùng đất này”.
Thầy Thường kể, ở đây, cứ vào những ngày mùa thì các em lại theo chân cha mẹ đi làm rẫy. Đối với họ, cái ăn còn quan trọng hơn cái chữ, bởi họ quan niệm cái chữ đâu có làm no cái bụng được. Vì vậy vận động để họ cho con đi học vô cùng khó khăn. Có những em ở sâu trong rừng, đến trường thì phải vượt qua 3 đến 4 km nên để tham gia đầy đủ các buổi học là rất khó.
Các em học sinh vùng cao Quảng Nam đến trường.
“Những lúc các em bỏ lớp, bỏ trường thầy, cô chúng tôi lại khăn gói đi tìm học trò và vận động gia đình đưa các em trở lại ngôi trường”, thầy giáo 39 tuổi nói.
Theo thầy Nguyễn Văn Mẫu, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Phước Thành, thầy Thường là một trong những giáo viên bám trụ tại đây ngay trong những ngày còn khó khăn khi trường bản mới được xây dựng. Thầy cũng là người cắm bản lâu nhất trong số các thầy cô giáo ở đây.
Thầy Thường là một người rất yêu thương các học sinh nên rất được em cũng như các thầy cô trong trường quý mến và kính trọng.
“Mới đây, thầy Thường là một trong hai người của tỉnh Quảng Nam được nhận giấy khen của Trung ương Đoàn khen tặng giáo viên có thành tích xuất sắc trong phong trào giáo dục và giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa lâu năm nhất”.
Khi được hỏi về ngày lễ 20-11, một thầy giáo cho biết: “Tuy ở vùng xa, vùng sâu nhưng năm nào ngày 20-11 cũng được tổ chức chu đáo. Lãnh đạo cấp trên đến thăm, tặng quà. Còn với chúng tôi thì tự tổ chức buổi liên hoan sôi nổi. Đôi khi chỉ cần một cây đàn ghi ta, những giọng ca với cây nhà lá vườn đẫ rất sôi nổi, rộn ràng rồi”. Câu nói của thầy được nhiều đồng nghiệp tán thưởng với những nụ cười vui tươi.
Thầy Mẫu cũng cho biết: “Tuy còn đó khó khăn nhưng cuộc sống cũng dần thay đổi và lấy kết quả học tập của các cháu cũng như tình người nơi đây để vui vẻ trong cuộc sống cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi rất tự hào với thầy cô đang công tác nơi đây!”
Với những khó khăn khó có thể nói hết, nhưng thầy cô giảng dạy giữa đại ngàn này đã bằng chính bằng tình yêu nghề, niềm vui để truyền con chữ cho các em học sinh.