Không chỉ duy trì việc trồng cây gây rừng, bảo vệ chống cháy rừng, ở nhiều nơi bà con còn tổ chức những buổi lễ cúng Thần rừng. Lời thề giữ rừng đã được đưa ra, cho thấy ý thức bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sống luôn được bà con các tộc người quan tâm, răn dạy con cháu thế hệ đi sau…
Để bảo vệ rừng xanh, đồng bào vùng cao có nhiều luật tục và các lễ cúng rừng. Ảnh: Doãn Hoàng.
1. Vừa qua, tại Tây Giang (Quảng Nam), người Cơ Tu sinh sống tại đây tổ chức lễ hội khai năm tạ ơn rừng. Năm nay, lễ hội này tổ chức vào ngày 4-3 tại Làng sinh thái di sản pơmu ở xã Axan. Theo già làng Alăng Đàng (thôn Arốt, xã Anông), đây là năm đầu tiên huyện Tây Giang khôi phục lại lễ hội này với quy mô lớn; cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, vừa thể hiện tinh thần tôn trọng thiên nhiên.
Người dân Cơ Tu có truyền thống thương yêu núi rừng, bà con sinh ra từ rừng và khi chết đi thành cát bụi cũng trở lại với rừng. Chính đời sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng nên đồng bào luôn ý thức việc giữ rừng như giữ nguồn sống của chính mình.
Có cùng mục đích giữ rừng để truyền lại cho con cháu mai sau, người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát - Lào Cai) thường tổ chức lễ cúng rừng vào dịp đầu năm. Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm, rừng thiêng cũng đều bị xử phạt nặng. Đã là rừng thiêng, rừng cấm thì không ai được bén mảng, kể cả cây khô, cây đổ cũng để nguyên hiện trạng. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Nếu là người lạ đến cộng đồng Hà Nhì, vô tình đại tiện, hay tiểu tiện nơi rừng thiêng, mà người dân Hà Nhì bắt được thì cũng bị phạt. Do không biết thì phạt nhẹ hơn, chỉ một con gà và một chai rượu. Nếu là dân Hà Nhì đã thông tỏ luật tục mà còn vi phạm thì sẽ phải nộp cho làng 36kg thóc.
Trong trường hợp sửa chữa, xây dựng nhà cửa, cần gỗ thì hộ dân đó phải xin phép kiểm lâm thôn. Kiểm lâm thôn báo cáo già làng, trưởng thôn. Đăng ký xin khai thác 5 cây thì chỉ được chặt đúng 5 cây ở khu rừng được phép khai thác. Thậm chí có nơi còn quy định rõ, làm 1 ngôi nhà tối đa là 15 cây và không được chọn cây quá lớn, không được chặt hạ bừa bãi… Mỗi khi chặt hạ 1 cây to thì phải trồng 1 cây non bên cạnh cái cây vừa bật gốc. Nếu ai sử dụng sai mục đích thì sẽ bị cấm vĩnh viễn, bị tước luôn quyền khai thác rừng, không bao giờ được vào rừng lấy gỗ làm nhà nữa.
Đặc biệt, người Hà Nhì còn ghi nhớ một điều: kể cả khi được cho phép chặt cây để làm nhà thì cũng không chặt vào mùa cây đó sinh sản. Khi hạ 1 cây xuống thì người ta cũng tìm cách tốt nhất để không đè chết nhiều cây con. Ngoài ra, ai thấy rừng cháy mà thờ ơ, không dập lửa, hoặc không thông báo kịp thời cho dân làng biết để cứu rừng cũng sẽ bị phạt rất nặng.
Người Thu Lao sống ở bản La Hờ, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai) cũng rất quan tâm đến việc giữ rừng. Theo quan niệm của người Thu Lao, dân tộc này có 4 vị phúc thần cai quản đất đai, sức khỏe, tính mạng của các loại sinh vật, thực vật và nắng, mưa, gió bão. Hàng năm, để bày tỏ lòng tôn kính của mình, người dân thường tổ chức cúng rừng vào đầu tháng 2 và tháng 6 âm lịch, các vị phúc thần sẽ được mời về đây thượng hưởng lễ vật do dân bản cúng lễ, để gia ơn và làm phúc cho cuộc sống bình yên và sinh sôi.
Lệ bản cũng quy định: Rừng thiêng là nơi cấm xâm phạm, không được hái củi, bẻ cành, vặt lá. Có lẽ chính nhờ những tục lệ hết sức nghiêm khắc do cộng đồng bản tự đề ra đã giúp cho bản La Hờ còn giữ được một cánh rừng nhiều gỗ quý với những cây đinh, cây nghiến 5, 6 người ôm, tạo nên một khu sinh thái nguyên sơ.
2. Ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc, người Pu Péo nổi tiếng với việc giữ rừng thiêng. Theo những người cao tuổi ở Phố Là (Đồng Văn, Hà Giang), trong đời sống tâm linh của người Pu Péo thờ 30 vị thần, mỗi khoảnh rừng, mỗi ngọn núi, mỗi xóm bản đều có một vị thần cai quản. Nhưng vị thần ở khu rừng thiêng là quan trọng nhất. Mỗi gia đình chọn một ngày. Cứ từ mồng một tới mồng sáu tháng 6 âm lịch, trừ ngày con dê, trừ ngày con gà, đều được.
Các già làng ở Phố Là kể lại rằng: Trước đây, tổ tiên người Pu Péo cùng cụ tổ các dân tộc Hán, Mông, Clao đã thề với nhau ở ngôi miếu trước cửa rừng rằng, sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng. Chính vì lời thề ấy mà người Pu Péo ngay từ thuở nhỏ đã được truyền cho ý thức thờ thần rừng. Đến khi giã từ cõi sống, họ cũng nằm lại trong rừng. Rừng thiêng là một phần vừa tâm linh, vừa thực tế trong đời sống đồng bào.
Vào ngày cúng thần Rừng, bà con chuẩn bị lễ cúng chu đáo. Lễ cúng này nhằm mục đích cầu mong sự bình yên, sinh trưởng cho vạn vật. Lễ cúng không chỉ mang lại giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên, là một hoạt động bảo vệ rừng hết sức hữu hiệu ở vùng cao núi đá.
Cùng tổ chức lễ cúng rừng vào tháng 6 âm lịch, nhưng người Mông ở thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui (Si Ma Cai – Lào Cai) lại chọn ngày Thìn. Vào ngày này, bà con tập trung tại gốc đa cổ thụ bên khu rừng thiêng để làm lễ Nào Lồng - một nghi lễ cúng rừng quan trọng nhất trong năm của cộng đồng dân tộc Mông trên đỉnh núi này.
Theo các già làng, lễ cúng rừng ở đây có nguồn gốc từ khi hai vị tộc trưởng là Giàng Chẩn Mìn, Giàng Chẩn Hùng đứng lên làm lễ ăn thề tại khu rừng thôn Lùng Sán, nguyện chung sức cùng nhân dân chống lại quân giặc ngoại xâm. Sau này, khi thực dân Pháp xâm chiếm Bắc Hà và Si Ma Cai, nghĩa quân của tộc trưởng Giàng Chẩn Hùng đã liên kết với quân của các tộc trưởng khác đứng lên đánh giặc. Sau 8 năm, nghĩa quân đã làm chủ cả vùng Bắc Hà, Lùng Phình, Si Ma Cai...
Nhằm tưởng nhớ công lao của 2 vị tộc trưởng, nhân dân các dân tộc xã Lùng Sui và huyện Si Ma Cai đã chọn ngày Thìn tháng 6 âm lịch hằng năm làm lễ dâng hương ở rừng cấm, cảm tạ công đức hai vị tộc trưởng. Lễ cúng rừng cũng có ý nghĩa cầu thần rừng linh thiêng phù hộ cho những cánh rừng sinh sôi nuôi sống con người, thổ địa phù hộ cho mưa thuận gió hòa, thiên không gây họa, thú dữ lùi xa, hiền hòa ở lại, cây trồng sai quả, bệnh dịch lùi xa, nhà nhà no ấm…
Sau các nghi lễ cúng rừng, các trưởng thôn, bản trên địa bàn xã Lùng Sui đã cùng ký cam kết bảo vệ rừng, sau đó lãnh đạo huyện Si Ma Cai và đông đảo bà con trong thôn cùng nhau trồng cây để rừng mãi thêm xanh.