Theo bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những kẻ bảo kê, chăn dắt, lạm dụng trẻ ăn xin theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, rất cần sự quyết tâm của chính quyền địa phương, cũng như sự vào cuộc của xã hội.
Hành vi vi phạm pháp luật
Trước vụ việc mẹ đẻ và cậu ruột ở Bà Rịa-Vũng Tàu bạo hành, chăn dắt chính con ruột, cháu ruột mình hành nghề ăn xin khi tuổi đời còn rất nhỏ, bà Ninh Thị Hồng cho rằng, đây không còn là câu chuyện mới mà là hiện tượng khá phổ biến.
“Sau khi vụ việc được phát hiện, cơ quan công an vào cuộc, chắc chắn rằng, những hành vi không còn tính người của người mẹ, người cậu này bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; những em bé trong vụ việc này cũng sẽ thoát khỏi sự bạo hành về thể xác. Tuy nhiên, điều khiến tôi băn khoăn và thấy buồn là tại sao vụ việc đó đã diễn ra trong thời gian dài mà chính quyền, đoàn thể, khu dân cư lại không hề biết. Vụ việc chỉ được biết khi một cháu bé trốn thoát và tố cáo?,- bà Hồng cho biết.
Cũng theo bà Hồng, thời gian gần đây với sự nỗ lực ngành LĐTBXH, hiện tượng trẻ em đi ăn xin giảm dần, song thực trạng trẻ em bị ép đi ăn xin vẫn còn khá phổ biến. Nguyên nhân do các biện pháp xử lý chủ yếu là hành chính vẫn không đủ phát huy tác dụng. Nhiều trường hợp, trẻ em ăn xin sau khi được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, chỉ cần người thân bảo lãnh là các em lại được đưa về. Sau khi trở về không lâu, các em lại quay lại ăn xin.
Dưới góc độ quản lý ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, hành vi chăn dắt trẻ em ăn xin trên đường phố, cho dù là người ngoài chăn dắt hay thậm chí là cha mẹ các em, thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Luật trẻ em đã quy định, hành vi bóc lột trẻ em, bắt trẻ ăn xin bị nghiêm cấm, tuy nhiên về mặt pháp luật còn có khoảng trống.
“Đã có nhiều vụ việc chăn dắt trẻ em ăn xin được phát hiện, nhưng chúng ta chủ yếu xử lý bằng cách đưa các em trở về nhà, sau đó yêu cầu cơ quan pháp luật vào cuộc. Những hành vi này thường không bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe”, ông Nam cho biết.
Tăng trách nhiệm người đứng đầu
Cũng theo ông Nam, Luật Trẻ em quy định chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh đó Chỉ thị 23 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em mới ban hành tháng 5/2020, người đứng đầu địa phương, người đứng đầu các cơ quan đơn vị làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Triển khai Chỉ thị 23, Bộ LĐTBXH đã có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng ăn xin nói chung và trẻ em lang thang, ăn xin nói riêng; đề nghị cơ quan LĐTBXH, công an và các cơ quan chức năng tiến hành ngay việc kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng, dụ dỗ, môi giới, ép buộc, trục lợi trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang ăn xin.
Đặc biệt, Bộ LĐTBXH cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang ăn xin hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em; kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm, bà Ninh Thị Hồng cũng cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng chăn dắt trẻ em ăn xin là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ sở. Bởi thực tế ở địa phương nếu quản lý tốt về dân cư sẽ nắm bắt được kịp thời thông tin, từ đó phối hợp với ngành chức năng giải quyết khi sự việc xảy ra. Cùng với đó cũng cần phải tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức để người dân ý thức được hành vi trẻ em đi bán báo, bán hàng dạo, đi ăn xin là hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải là sự việc bình thường. Chỉ khi nhận thức được rõ hành vi thì người dân mới kịp thời can thiệp và tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích cho trẻ em.