Các nghị quyết về Syria được ủng hộ bởi phương Tây và Nga đều đã thất bại tại Hội đồng Bảo an LHQ hồi cuối tuần qua, khiến cho không có giải pháp nào được đưa ra nhằm cứu vãn tình thế ở Aleppo và khiến cho các cường quốc chủ chốt thêm phần chia rẽ về tình hình Syria.
Hội đồng Bảo an LHQ đã thất bại trong nỗ lực chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria (Nguồn: Reuters).
Trong cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức vào ngày 8/10 (giờ Mỹ), Nga đã phủ quyết một nghị quyết mà Pháp soạn thảo trong đó yêu cầu ngừng ngay chiến dịch đánh bom mà chính phủ Syria và Nga đang thực hiện nhằm vào các khu vực có phe nổi dậy ở thành phố Aleppo. Trong khi nghị quyết mà Nga soạn thảo cũng bị bác bỏ bởi không thể có đủ 9 phiếu thuận cần có để được hội đồng gồm 15 thành viên này thông qua.
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Shurrkin, Chủ tịch hội đồng luân phiên hiện tại, nói trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra rằng, các thành viên đang trong “tình cảnh kỳ lạ nhất” bởi họ biết trước rằng sẽ chả có nghị quyết nào được thông qua. “Việc lãng phí thời gian này là không thể chấp nhận đươc”; ông Churkin nói.
Kết quả bỏ phiếu trên cũng phản ánh sự chia rẽ sâu sắc nhất tại cơ quan quyền lực nhất của LHQ, có trách nhiệm đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế nhưng lại thấy bại hoàn toàn trong việc đưa ra hành động nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria, đã cướp đi sinh mạng của trên 300.000 người.
Được biết, nghị quyết mà Pháp soạn thảo đã nhận được 11 phiếu thuận, 2 phiếu chống đến từ Nga và Venezuela, và phiếu trống của Trung Quốc và Angola. Nghị quyết của Nga thì nhận được 4 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 2 phiếu trống. Đây là lần thứ 5 mà Nga dùng quyền phủ quyết của mình trước một nghị quyết mà phương Tây hậu thuẫn nhằm chấm dứt xung đột Syria.
Khi Đại sứ Syria tại LHQ, ông Bashar Ja’afari, bắt đầu bài phát biểu của mình sau cuộc bỏ phiếu, một số Đại sứ khác đã bước ra khỏi phòng, trong đó gồm các đại diện đến từ Anh, Pháp, Ukraine và Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã cảnh báo rằng các cuộc đánh bom diễn ra ở thành phố Aleppo đang giết hại thường dân và phá hủy nhiều bệnh viện, trường học và “không liên quan gì tới việc chống chủ nghĩa khủng bố”, trong khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Nga phản đối luận điểm này.
Về phần mình, Đại sứ Churkin nói rằng yêu cầu ngừng không kích ở Aleppo là không có tác dụng và sẽ ảnh hưởng đến cả phần phía Tây của thành phố mà quân chính phủ đang kiểm soát cũng như cả phía Đông mà phe nổi dậy kiểm soát. Ông Churkin cũng chỉ ra rằng các hoạt động ở Aleppo đã tạm trùng xuống trong khoảng thời gian cuối tuần qua, và hy vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục.
Tính đến chiều hôm thứ Sáu tuần trước thì nghị quyết mà Pháp soạn thảo vẫn là nghị quyết duy nhất được trình trước Hội đồng Bảo an. Nhưng sau đó Nga đã bất ngờ đưa ra một nghị quyết khác.
Sau khi Hội đồng bác bỏ nghị quyết của Nga, Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft đã nhắc tới đích danh ông Churkin, nói rằng: “Một phủ quyết duy nhất và sau đó chỉ có 4 phiếu thuận cho văn bản của ông-một sự bẽ mặt”.
“Văn bản này là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý từ sự phủ quyết của ông mà một lần nữa đã dập tắt hy vọng của người dân Aleppo”-ông Rycrof nói.
Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ David Pressman cũng nói rằng Nga và Syria chắc chắn sẽ tuyên bố rằng mọi sự hủy diệt ở Aleppo mà họ gây nên là nhằm vào những kẻ khủng bố, chứ không phải thường dân hay các tòa nhà dân sự.
Trong khi đó, ông Churkin nói rằng ông sẽ không phản ứng trước những “luận điệu khiêu khích” đến từ Mỹ và Anh. Ông nhất trí rằng “cần có thêm hành động”, cùng lúc cáo buộc Mỹ vì đã thất bại trong việc phân biệt giữa phe đối lập và những kẻ khủng bố cực đoan đã khiến cho thỏa thuận ngừng bắn mà họ phối hợp với Mỹ thiết lập nên bị sụp đổ.
Được biết, cả nghị quyết của Nga và Pháp soạn thảo đều thúc giục việc thực thi ngay thỏa thuận ngừng bắn trên và “ngay lập tức cho phép các hoạt động nhân đạo diễn ra trên khắp Syria một cách an toàn”. Rất nhiều các thành viên của Hội đồng Bảo an cũng tỏ rõ sự thất vọng của mình trước thất bại của Hội đồng Bảo an trong việc chấm dứt sự thống khổ của người dân Syria.
“Thay vì tổ chức các cuộc tham vấn chính trị nghiêm túc trong các phiên thảo luận mở và kín nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria, thì các cuộc tham vấn lại tràn ngập các quan điểm truyền thống và một cuộc đối thoại mà chả ai thèm nghe ai” - Đại sứ Ai Cập tại LHQ, ông Amr Abdellatif Aboulatta, nhận định.