Trên hành trình lập nghiệp của hàng triệu người Việt Nam khắp năm châu, tiếng Việt vẫn luôn hiện hữu, trở thành mạch nguồn, là niềm tự hào dân tộc. Với vai trò vừa là cầu nối, vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt có ý nghĩa hết sức quan trọng, được đông đảo cộng đồng người Việt nâng niu, gìn giữ và nhân rộng.
1.Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để tiếng Việt đi vào đời sống, gắn với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều mô hình dạy và học tiếng Việt ở khắp nơi trên thế giới lần lượt ra đời. Mới đây nhất là dự án “Tiệm Mọt” của cô gái trẻ Quỳnh Hạnh đến từ Phần Lan và các bạn cộng tác viên là người Việt ở nhiều nước tại châu Âu. Đây là dự án về tủ sách tiếng Việt dành cho người Việt ở nước ngoài. Việc ra đời tủ sách giúp cũng giúp cho các em bé Việt được tiếp cận với sách dễ dàng hơn. Với suy nghĩ đó, tiệm sách tiếng Việt mang tên Tiệm Mọt đã được thành lập ở trụ sở chính là Phần Lan và ba chi nhánh của tiệm ở Pháp, Thụy Điển và Na Uy.
Đối với trên 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là hồn cốt của người Việt, niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị trường tồn, nuôi dưỡng tinh thần, khí phách dân tộc.
Chia sẻ lý do cho ra đời dự án, Quỳnh Hạnh cho biết, ý tưởng này xuất phát từ những khoảnh khắc trong gia đình nhỏ của cô. Sau khi sinh con đầu lòng, vợ chồng Quỳnh Hạnh thường xuyên hát những bài hát về Hà Nội, về Việt Nam cho con mình nghe. Hai vợ chồng vẫn thường thủ thỉ với con những bài hát dân ca nặng nghĩa nặng tình. Con nghe và rất yêu thích những bài hát đó. Dù em bé được sinh ra ở một đất nước xa xôi nhưng không vì thế mà thiếu thốn các nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Cùng chung mong muốn đưa tiếng Việt ra thế giới, cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia còn thường xuyên mở các lớp dạy và học tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba. Ông Nguyễn Văn Sơn, giáo viên dạy tiếng Việt tại Cộng hòa Séc chia sẻ, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của các giáo viên cùng với sự ủng hộ của Đại sứ quán và các hội đoàn, cộng đồng người Việt tại Séc đã truyền bá được tiếng Việt đến với con em của mình.
Với đặc thù là một “ông giáo” nhiều năm gắn bó với nghề dạy chữ ở nước ngoài, thầy giáo Nguyễn Văn Sơn nhận định, người Việt thế thệ thứ hai, thứ ba cần phải được trau dồi tiếng mẹ đẻ để thêm yêu và hướng về quê hương, đất nước. Chúng tôi cũng mong muốn Đảng, Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài bằng cả tinh thần và vật chất; đồng thời có các hình thức khuyến khích, động viên phù hợp để con em người Việt thêm yêu tiếng Việt.
Thầy Sơn gợi ý, để tiếng Việt thẩm thấu dễ dàng hơn trong đời sống, khi học tập và làm việc kiều bào sử dụng tiếng Anh là chủ yếu, còn thời gian sinh hoạt trong gia đình vẫn nên dùng tiếng Việt. “Nhờ tình yêu Việt Nam, tình yêu tiếng Việt mà đến nay hai con của thầy Sơn đều nói tiếng Việt khá sõi. Hầu hết thời gian ở nhà cả gia đình đều sử dụng tiếng Việt. Yếu tố gia đình là then chốt trong việc lưu giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, bởi ngoại trừ việc học tập bắt buộc bằng tiếng bản xứ, môi trường gia đình là nơi gần gũi nhất còn lại để các bạn nhỏ có thể được học tiếng Việt”, thầy Sơn cho biết.
2.Còn tại đất nước Ba Lan, từ nhiều năm nay bất cứ người Việt Nam nào khi đến đây sinh sống và học tập đều biết đến một ngôi trường nổi tiếng mang tên “Trường tiếng Việt Lạc Long Quân”. Đây là một trong những trường tiếng Việt đi đầu và hoạt động bài bản nhất tại Ba Lan, cũng như khu vực Đông Âu. Với hơn 20 năm ra đời, ngôi trường đã ngắn liền với tên tuổi của nhiều thế hệ người Việt Nam tại Đông Âu.
Bà Nguyễn Việt Triều, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, trường được thành lập năm 1999, xuất phát từ nguyện vọng con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam của một số phụ huynh. Từ buổi đầu thành lập, trường chỉ có khoảng vài chục học sinh, đến nay, mỗi năm đã có khoảng 180 học sinh người Việt, trong độ tuổi 6 - 14 tham gia học tiếng Việt. Sau hơn 21 năm thành lập, nhà trường đã có được một đội ngũ giáo viên và Ban lãnh đạo nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, có kinh nghiệm tổ chức, quản lý việc dạy và học tiếng Việt.
Chia sẻ về việc dạy và học tiếng Việt cho kiều bào, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời góp phần phổ biến, truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào và coi đây là hoạt động thường niên để tổ chức hàng năm. Trong quá trình thực hiện, cho dù khó khăn còn nhiều, thách thức còn lớn nhưng phong trào dạy và học tiếng Việt vẫn ngày càng lan tỏa và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tại nhiều quốc gia, các giáo viên kiều bào ở nhiều nơi cũng rất tận tình, sáng tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ.
“Trong 2 năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát và có nhiều diễn biến phức tạp, việc tổ chức các khóa tập huấn dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào không thực hiện được nhưng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Khóa tập huấn lần này có sự tham gia đông nhất từ trước đến nay của các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. Từ khóa tập huấn cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển, ngày càng nhiều giáo viên có nhu cầu được đào tạo, nâng cao phương pháp giảng dạy”, ông Lương Thanh Nghị chia sẻ.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Mới đây tại Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh việc phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù sinh sống ở bất kỳ nơi đâu đều một lòng hướng về quê hương, về tiếng mẹ đẻ. Ý thức được tầm quan trọng đó, với nỗ lực của các cơ quan, tổ chức trong nước và hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian gần đây, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào đang được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp và chuẩn hóa, góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, tạo sợi dây gắn kết người Việt trẻ với quê hương, duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong các thế hệ kiều bào.