Từ một ngôi làng thuần nông ở vùng núi xa xôi hẻo lánh, đồng bào Sán Chỉ ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã biết làm du lịch. Ngoài sở hữu phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa của đồng bào Sán Chỉ nơi đây cũng là một kho tàng để du khách khám phá.
Từ năm 2017 trở về trước, Đại Dực được biết đến là một xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tiên Yên, nơi có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Sán Chỉ chiếm tỷ lệ 83,3%. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp truyền thống. Những mái nhà tranh, vách đất liêu xiêu và đường rừng heo hút, đi cả chục kilomet vẫn không thấy bóng người. Không ai nghĩ Đại Dực có thể làm du lịch, cho đến khi những ý tưởng về một ngôi làng du lịch cộng đồng dưới chân núi Thông Châu được hình thành bởi nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực Nguyễn Thế Anh.
“Do được bao quanh bởi đồi, núi, nên Đại Dực có nhiều khe suối lớn nhỏ bắt nguồn từ trên cao đổ về. Có thể kể đến như thác Nặm Văm cao hơn 30m, thác Cô Bảy cao trên 40m, thác Khe Lục Mỷ cao hơn 50m, hay thác Á Chu Lan cao hơn 60m. Đây là những địa điểm tuyệt vời để du khách dùng chân, chụp ảnh kỷ niệm.
Cùng với hệ thống khe suối, xã Đại Dực còn nhiều núi, đồi nổi tiếng. Nằm cách thác Nặm Văm khoảng 200m, ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, đồi Tình là một quần thể gồm hơn 200ha rừng thông, đây là nơi thanh niên Sán Chỉ thường hẹn hò, hát giao duyên Soóng Cọ” - ông Thế Anh giới thiệu.
Nhờ trồng lúa trên các sườn đồi xung quanh xã, người dân nơi đây đã tạo ra một hệ thống ruộng bậc thang đẹp mắt. Đây là điểm “check-in” mà du khách rất ưa chuộng, ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt sau thành công của Lễ hội Văn hóa, thể thao Sán Chỉ năm 2020 với chủ đề "Mùa vàng miền Soóng Cọ".
Những ý tưởng sơ khai về làng du lịch cộng đồng ở Đại Dực đã dần được thực hiện. Trở lại nơi đây vào giữa tháng 3/2024, tôi như lạc vào một thị tứ vùng cao, nhưng vẫn còn phảng phất thế giới cổ xưa của một vùng đất cổ tích, sở hữu những khối tài sản "kếch xù" về thiên nhiên, văn hóa tinh thần.
Tại khu Nà Mó, thôn Khe Lục, căn nhà gạch đất đầu tiên của xã Đại Dực vừa mới được phục dựng làm homestay để đón khách du lịch. Anh Nình A Lộc – chủ ngôi nhà cho biết: “Chúng tôi được vận động sửa chữa, cải tạo khu vực nhà chính, khu vực sân, vườn, chuồng trại chăn nuôi; trồng thêm các cây xanh, cây hoa tạo cảnh quan, không gian tạo nét riêng cho từng nhà…”.
Theo ông Hoàng Việt Tùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, bước sang năm mới 2024, xã triển khai thực hiện ngay kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại thôn Khe Lục. Xã huy động nguồn lực xây dựng mới một số ngôi nhà theo phong cách truyền thống (nhà bằng đất, lợp ngói âm dương), hoặc cải tạo lại các nhà bằng đất cũ để thành điểm check-in, nghỉ dưỡng. Vận động hộ dân có điều kiện hình thành các dịch vụ phục vụ du khách như ăn, uống; tắm, ngâm các lá thuốc truyền thống.
“Từ nay đến ngày 30/4, xã sẽ tiến hành sửa thêm 3 căn nhà nữa. Giai đoạn sau, tại các thôn có nhà cũ bằng đất, chúng tôi sẽ vận động nhân dân cải tạo lại toàn bộ” - ông Tùng nói.
Ngoài một số điểm tham quan của địa phương như ruộng bậc thang, hồ Tuyệt Tình Cốc, suối nước nóng..., xã đang chuẩn bị phát đường vào để mở hướng du lịch khám phá núi Thông Châu - ngọn núi cao trên 1.000m, ngắm nhìn quang cảnh của các huyện như Đầm Hà, Bình Liêu; Cầu Vân Tiên...); trải nghiệm các trò chơi dân gian, nghe làn điệu Soóng Cọ.
Đại Dực không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang, các dòng thác hùng vĩ, những ngôi nhà cổ, đây còn là nơi hiện hữu một “kho tàng” văn hóa địa phương. Trang phục của đồng bào Sán Chỉ do những bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây làm ra; đơn giản, mộc mạc, không rực rỡ, cầu kỳ nhưng vẫn toát lên nét độc đáo riêng. Khi mặc trang phục truyền thống, phụ nữ Sán Chỉ phải vấn tóc, đội khăn màu xanh và kèm theo các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc. Trang phục nam màu chàm mộc mạc hơn, nhưng vẫn thể hiện sự khỏe khoắn của người đàn ông Sán Chỉ…
Tới nay, đồng bào Sán Chỉ ở Đại Dực vẫn còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc riêng có của dân tộc mình như nghi lễ cầu mùa, hát Soóng Cọ, các phong tục ẩm thực độc đáo. Ngoài ra, Đại Dực còn có lễ hội mùa vàng với những ruộng bậc thang óng ả thu hút du khách khám phá và trải nghiệm.
Ông Phạm Văn Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: Mặc dù huyện có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với khai thác cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, du lịch Tiên Yên hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Tọa đàm “Tiên Yên – Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch cộng đồng” vừa tổ chức mới đây ngay tại xã Đại Dực chính là mong muốn nhận được nhiều ý kiến định hướng, tham gia, góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia du lịch hàng đầu, đại diện các công ty lữ hành trên cả nước. Từ đó, Tiên Yên khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, phát huy được tối đa lợi thế, góp phần đưa huyện trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh…