Cộng đồng người Việt tại Đức ngày càng chứng tỏ là một trong những cộng đồng hội nhập vào sở tại thành công nhất và có nhiều người Việt thành đạt trong các lĩnh vực kinh doanh, khoa học - công nghệ, giáo dục.
Lễ hội văn hóa Việt trên đường phố tại Frankfurt, Đức (2016).
Một điều đáng trân quý hơn, theo lời Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Đoàn Xuân Hưng, người Việt Nam có mặt tại khắp các khu vực tại Đức, đều hướng về quê hương đất nước; chú trọng gìn giữ, tuyên truyền nét đẹp văn hóa của dân tộc cho con em, cộng đồng, bạn bè Đức và bạn bè quốc tế tại Đức.
1. Nổi tiếng với việc chắt chiu, tranh thủ từng phút thời gian để kiếm tiền nên cuộc sống của nhiều kiều bào ở Đức những năm gần đây có thể nói là thành đạt trong tất cả các lĩnh vực, từ văn hóa, xã hội và kinh tế. Chị Ái Liên sang Đông Đức lao động từ năm 1988, khi đó chị đã quyết định từ bỏ cây đàn Cello với 17 năm gắn bó với Nhạc viện Hà Nội để đổi đời ở mảnh đất xa xôi này.
Ái Liên đã trải qua rất nhiều công việc, từ làm khách sạn đến trông trẻ, buôn bán lặt vặt. Chăm chỉ, tảo tần chị đã tích cóp và mở được một cửa hàng hoa ở Berlin. Ngày nào chị cũng phải dậy từ 3, 4 giờ sáng ra chợ đầu mối mua hoa về bán. Trước nghề này dường như là độc quyền của người Việt ở Berlin, bởi chỉ có những con người chăm chỉ, chịu khó mới có thể thức khuya, dậy sớm như vậy. Và những cửa hàng hoa như của chị Ái Liên ở Đức đã giúp nhiều người Việt trang trải cuộc sống, nuôi con thành đạt và gửi được chút vốn liếng về quê nhà.
Ở Berlin hiện có khoảng hơn 20.000 người Việt sinh sống. Cùng với các cửa hàng hoa, cửa hàng quần áo thì tại thủ đô này cũng có đến hàng trăm cửa hàng ăn uống. Ẩm thực Việt đã lên ngôi tại Đức như một xu hướng ăn uống mới với những món ăn vừa bổ dưỡng vừa có lợi cho sức khỏe vì có nhiều rau tươi, ít mỡ. Hầu như ở các trung tâm thương mại, các nhà ga nào cũng có các nhà hàng ăn nhanh Việt Nam với các thương hiệu đã nổi tiếng như Thăng Long, Asia Gourmet, Mai Mai…
Đứng đầu trong Top 10 những quán Sushi nổi tiếng nhất Berlin là quán Mr. Hai Kabuki. Trần Văn Hai sang Đông Đức từ những năm 1988, theo diện hợp đồng lao động. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, anh Hai ở lại xin vào làm tại các tiệm ăn của Đức và của Nhật. Đam mê ẩm thực dường như có cơ hội bộc lộ. Sau thời gian tự mày mò, học hỏi tại các quán ăn của người Đức, Nhật giờ đây anh đã trở thành chủ chuỗi nhà hàng Mrhai, Berlin. Trần Văn Hai cũng là đầu bếp gốc Việt đầu tiên được vinh danh trong cuốn sách Đầu bếp Berlin cùng với 13 đầu bếp khá nổi tiếng người Đức.
Có một điều thú vị và rất đáng ngưỡng mộ ở Trần Văn Hai đó là anh luôn lấy cảm hứng quê hương để sáng tạo trong những món ăn với mong muốn qua ẩm thực giới thiệu đến bạn bè nước Đức bản sắc văn hóa giàu truyền thống của Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình.
2. Người Việt Nam tại Đức có khoảng 170.000 người. Cuộc sống ngày càng khá giả nên bà con rất đầu tư chăm lo cho thế hệ thứ hai. Đa phần học sinh người Việt tại Đức học rất giỏi, tỷ lệ đỗ vào trường chuyên và đại học cao hàng đầu trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Đức. Học sinh người Việt đỗ vào các trường chuyên đạt tới 50%, thành tích cao nhất trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Đức.
Cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển, nên những hội, đoàn của người Việt ở Đức đã được thành lập với mong muốn trở thành mái nhà chung, là điểm tựa tinh thần để bà con có thể sum họp, sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống cũng như có các hoạt động thiết thực hướng về quê hương đất nước.
Hội người Hà Nội tại Đức với một Ban chấp hành năng động, nhiệt huyết, bên cạnh những hoạt động đóng góp tích cực cho cộng đồng, còn có rất nhiều hoạt động thiết thực để hướng về quê hương đất nước như quyên góp ủng hộ bà con bị thiên tai bão lũ, về nước thăm đảo Trường Sa và bàn giao Xuồng chủ quyền cho quân và dân Trường Sa; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ trong dịp lễ tết cho bà con kiều bào; giao lưu thân thiện với các hội đoàn khác...với tinh thần: Đoàn kết, hiểu biết và chia sẻ.
Luôn mong muốn nỗ lực nhiều hơn nữa để Hội thực sự trở thành mái nhà chung cho bà con người Hà Nội xa xứ, ông Nguyễn Khắc Hùng, Chủ tịch Hội, cho biết sẽ cùng Ban chấp hành tiếp tục cải tiến hoạt động Hội theo hướng sâu sát, thiết thực hơn, quan tâm nhiều đến đời sống hội viên, thăm hỏi bà con lúc đau ốm và lo chuyện hiếu hỉ để mọi người luôn cảm thấy ấm áp, nghĩa tình như đang ở quê nhà vậy.
Ông Lê Xuân Đính được nhiều bà con kiều bào ở Đức biết đến bởi là một người rất tích cực tham gia các phong trào Hội, đoàn của người Việt ở Đức. Ông luôn tâm niệm rằng, được đóng góp một phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại Đức đó là niềm vui, vinh dự và tự hào. Hiện ông là Chủ tịch Hội văn hóa khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Đức, ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam... Trong vai Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Berlin và vùng phụ cận, ông dành ra rất nhiều thời gian, tâm sức để Hội luôn là nơi mà 120 gia đình hội viên luôn tìm đến mỗi dịp lễ, tết. Không chỉ sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, hồi ức những kỷ niệm quê nhà mà Hoạt động mạnh nhất của Hội chính là từ thiện, ủng hộ các nạn nhân da cam, biên cương hải đảo, khuyến học…
Cùng với các hoạt động của Hội, chương trình Không gian văn hóa Việt mà ông Lê Xuân Đính làm Trưởng Ban Tổ chức ra đời đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt và các nghệ sĩ. Có thể nói, đây là một sân chơi bổ ích và lý thú của cộng đồng người Việt tại Đức. Đến đây, bà con người Việt có cơ hội thưởng thức những món ăn quê nhà và hát cho nhau nghe những bài ca về quê hương đất nước, cũng là góp phần giúp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
3. Đại sứ Đoàn Xuân Hưng khẳng định với trách nhiệm cũng như tình cảm với cộng đồng, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã hỗ trợ cộng đồng nhiều hoạt động khác nhau nhằm thúc đẩy phong trào giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt; đồng thời, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao tổ chức các sự kiện văn hóa với sự chung tay của cộng đồng người Việt Nam tại Đức.
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng góp phần tuyên truyền về di sản, lịch sử văn hóa Việt Nam. Từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2018, đã có 3 cuộc triển lãm mang tên “Báu vật khảo cổ Việt Nam” diễn ra tại Đức. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức. Diễn ra tại các địa điểm nổi tiếng của Đức, triển lãm đã thut hút rất nhiều lượt khách quốc tế, người dân Đức đến tham quan. Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh quốc gia, thông qua đó giúp bạn bè hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam.