Giữ hay bỏ các nghi lễ hiến sinh trong lễ hội?

Trần Vân (thực hiện) 11/11/2017 08:05

Ông David Neale - Giám đốc phúc lợi động vật Tổ chức động vật châu Á vừa có thư gửi Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Giám đốc Sở VHTT TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn đề nghị chấm dứt Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vì an toàn của cộng đồng và đảm bảo tuân thủ quy định của Nhà nước.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tam Thanh - cán bộ của Tổ chức đã trả lời những thắc mắc với các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Tam Thanh.

PV:Là một nhà nghiên cứu động vật, ông nghĩ sao về việc hiến tế động vật trong các lễ hội? Hoạt động này liệu có còn phù hợp trước sự hội nhập quốc tế?

Ông Nguyễn Tam Thanh: Lễ hội là một hoạt động độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài các giá trị đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, lễ hội cũng mang giá trị giáo dục tới khán giả và các thế hệ mai sau.

Trên thực tế, các lễ hội sử dụng động vật ngày nay đang truyền đi một thông điệp sai trái đến cộng đồng và thế hệ trẻ rằng “Động vật được sử dụng như một công cụ làm trò tiêu khiển cho con người, chứ không phải là cùng chung sống với con người”.

Thêm vào đó, những lễ hội bạo lực gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái tâm lý của khán giả, đến hình ảnh đất nước, và đến ngành du lịch.

Việc chứng kiến động vật chọi nhau và rồi xem chúng bị xẻ thịt ngay bên ngoài đấu trường sẽ làm cho con người dần trở nên vô cảm, đặc biệt là trẻ em khi tâm lý còn chưa đủ vững vàng và dễ bị tổn thương.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người khi chứng kiến những hành vi bạo hành động vật cũng sẽ trở nên bạo lực với người khác trong cộng đồng.

Ông nghĩ sao về ý kiến phúc lợi động vật là một trong các giá văn hóa đặc thù của phương Tây nên sẽ có sự khập khiễng với giá trị văn hóa lịch sử của các nước phương Đông chúng ta?

- Tiền đề của mối quan tâm với phúc lợi động vật đó là dựa trên đạo đức của con người, trách nhiệm của con người trong mối quan hệ với động vật và xu hướng là sống một cách nhân văn nhân đạo và chung sống hòa bình đối với động vật.

Tôi nghĩ điều này là điều mà các dân tộc đều hướng tới. Nhưng tôi không thấy được sự khác biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Mỗi một quốc gia, một dân tộc thì đều có quyền lựa chọn cho mình một giá trị riêng biệt và Việt Nam có quyền tự quyết, tự chủ động giá trị nào mình muốn duy trì, phát triển và những giá trị đó.

Ở Việt Nam là những giá trị nhân văn, thể hiện được truyền thống tốt đẹp của người dân. Nhìn tới các quốc gia khác để so sánh là một sự cần thiết nhưng dù là nước đang phát triển hay phát triển thì cũng đều có những vấn đề riêng của mình trong vấn đề phúc lợi động vật.

Tôi không cho rằng các quốc gia phát triển sẽ đối xử với động vật tốt hơn các quốc gia đang phát triển.

Ngay cả ở Anh quốc gia có luật về quyền động vật từ rất sớm cũng có những trang trại nhốt gà trong những lồng rất nhỏ và không được hưởng những điều kiện sống tự nhiên như gà tại Việt Nam.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Theo ông, điều gì khiến các lễ hội có hành vi bạo lực động vật này chưa bị dẹp bỏ? Phía bên Tổ chức động vật châu Á đã có những hành động gì để tác động đến bên tổ chức lễ hội và nhận thức của người dân?

- Thực tế cho thấy, văn hóa và truyền thống thay đổi và phát triển theo thời gian. Những mặt tốt, tích cực nên được duy trì, ngược lại những mặt xấu và tiêu cực thì cần phải được sửa đổi hoặc loại bỏ.

Văn hóa và truyền thống là những giá trị được quyết định bởi lịch sử, thế hệ hiện tại mới là người quyết định loại di sản nào nên được truyền lại cho thế hệ con cháu.

Và hành vi bạo hành động vật tuyệt đối không bao giờ phù hợp để được lưu truyền, nó đi ngược lại với truyền thống và văn hóa của người Việt Nam.

Đã đến lúc phải thay đổi và chấm dứt nạn bạo hành động vật! Ghi nhận sự việc trong lễ hội chọi trâu 2017, phía BTC cũng đã lập báo cáo và gửi thư đến phía UBND TP Hải Phòng đề nghị chấm dứt lễ hội.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ bất kì đơn vị nào và đang mong chờ nhận được ý kiến phản hồi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bức thư của ông David Neale cho rằng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại liên quan đến phúc lợi động vật và sự an toàn cho cộng đồng.

Các hoạt động trong Lễ hội như huấn luyện, chọi trâu và giết mổ sau trận đấu là hoàn toàn không phù hợp với định hướng phát triển một nền văn hóa Việt Nam văn minh, tiên tiến. Minh Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ hay bỏ các nghi lễ hiến sinh trong lễ hội?