Giữ lấy 'cái nôi' hát xẩm

Đình Minh 06/10/2023 07:09

Là quê hương của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, tại Ninh Bình, hát xẩm đang dần được khôi phục bởi những tấm lòng nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật truyền thống của giới trẻ.

Thế hệ nối tiếp ở cái nôi hát xẩm huyện Yên Mô.

Về làng Quảng Phúc (xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnhNinh Bình), chúng tôi được bà Nguyễn Thị Mận - con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu cho biết, năm 2013 bà Cầu qua đời. Trước khi mất, cố nghệ nhân dặn dò phải cố gắng giữ lấy nghề, đừng để hát xẩm mai một ở đất Ninh Bình. Vì tâm nguyện của mẹ, bà Mận cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để trở thành một người hát xẩm thực thụ.

Từ sự giúp đỡ của ông Trịnh Xuân Quảng - một cựu chiến binh, thầy giáo sống gần nhà, năm 2018, bà Mận đã lập ra CLB xẩm Hà Thị Cầu với với 12 thành viên. Đến nay, sau 5 năm, CLB đã có 35 thành viên, trong đó có 25 cháu độ tuổi từ 4-13 tuổi. Thời điểm mới thành lập, do không có kinh phí để hoạt động nên chồng bà Mận là ông Lại Văn Nơi (66 tuổi) phải đi mò cua, bắt ếch, đi bốc vác… để kiếm tiền hỗ trợ vợ duy trì CLB. Đến nay, cứ khoảng 3-4 tháng, lại có một đơn vị thuê các thành viên trong CLB đi diễn, từ đó cũng có thêm chút kinh phí để CLB hoạt động.

“Để thực hiện nguyện vọng của mẹ, tôi lập ra CLB này với mong muốn truyền dạy miễn phí cho các nghệ sĩ không chuyên và học sinh trên địa bàn huyện Yên Mô. Những cộng sự, học trò của mẹ tôi như tay trống Vũ Đức Năng, đàn nhị Đào Bạch Linh đều đã từng về CLB để truyền dạy nghề cho thế hệ sau” - bà Mận nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hòa (74 tuổi, thành viên CLB) tâm sự: “Xẩm đến với tôi tự nhiên khi những buổi chiều ngồi nghe cụ Cầu vừa quệt trầu, vừa kéo nhị. Lời hát cứ như thế ăn vào máu, ngấm vào người”.

Trong số 25 học trò thuộc thế hệ trẻ tại CLB, có những em được cha, mẹ gửi học từ năm 4 tuổi. Chứng kiến những mầm non tự tin gõ trống, phách, kéo đàn nhị trình diễn những bài xẩm nổi tiếng, ai nấy đều không khỏi ngỡ ngàng. Cháu Lại Thùy Dương (7 tuổi) được phụ huynh gửi vào CLB từ năm 4 tuổi. Sau 3 năm học tập, hiện tại, cháu đã thành thạo gõ trống, đã có thể đi biểu diễn.

Ở tuổi 13, em Đinh Thùy Linh, chắt ngoại của cụ Hà Thị Cầu có giọng hát tốt. Linh cho biết: “Ở đây, các em nhỏ cũng đã thuộc đến 30 bài, em và bạn lớn hơn đều thuộc từ 50 - 70 bài hát, làn điệu. Lúc đầu khi mới tiếp cận em thấy chưa quen cách hát sao cho ra xẩm, nhưng sau đó càng học em càng hứng thú và không còn thấy khó nữa”.

Ðể góp phần bảo tồn, đưa nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ, những năm qua, CLB thường xuyên tổ chức dàn dựng lại khung cảnh hát xẩm tại chợ, sân đình cũng như đến các trường học giao lưu, truyền dạy nghệ thuật hát xẩm. Nhiều giọng ca trẻ đã tham dự các liên hoan hát xẩm của huyện, tỉnh. Nghệ thuật hát xẩm còn được biểu diễn phục vụ các hoạt động du lịch, các sự kiện lớn của địa phương.

Được biết, tại huyện Yên Mô có gần 100 CLB, đội, nhóm hát chèo, hát xẩm. Yên Mô cũng mở các lớp truyền dạy hát xẩm cho các em học sinh trên địa bàn vào dịp hè. Mạch nguồn một loại hình biểu diễn độc đáo đã được tiếp nối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ lấy 'cái nôi' hát xẩm