Sân chơi hội nhập ngày càng mở rộng cùng nhiều đối thủ cạnh tranh đang đòi hỏi thủy sản Việt Nam buộc phải “giữ mình” trong vấn đề an toàn thực phẩm. Lơ là về chất lượng, thủy sản có nguy cơ tự loại ra khỏi thị trường chung.
Chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề sống còn
của thủy sản khi xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tử Cương- nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho hay, Việt Nam đã ký tổng cộng 13 hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước.
Tất cả hiệp định thương mại đang mở ra nhiều cơ hội để hàng Việt thâm nhập vào thị trường các nước. Trong đó thủy sản Việt Nam đang được xem là một trong những sản phẩm có cơ hội lớn nhất phát triển thị trường. Song muốn tận dụng được cơ hội phát triển phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP).
Bà Almut Rossener- Giám đốc Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam chia sẻ, từ trước đến nay sản phẩm cá tra, cá basa Việt Nam... đã được người tiêu dùng châu Âu đón nhận.
Tuy nhiên, thời gian tới sân chơi hội nhập sâu rộng hơn cùng nhiều đối thủ cạnh cạnh tương tự, thủy sản Việt Nam buộc phải “giữ mình” trong vấn đề an toàn thực phẩm.
Nghĩa là, từ con giống đến nuôi trồng và khâu chế biến đều phải theo mô hình chuỗi giá trị sạch. Trường hợp lơ là về chất lượng có nguy cơ tự loại ra khỏi sân chơi vì hiện nay đối thủ cạnh tranh trên các nước không hề ít.
Năm 2015, có gần 260 lô hàng thủy sản bị các nước thu gom trả về vì kháng sinh, hóa chất, vi sinh vượt quá ngưỡng. Tình hình không khả quan khi quý 1 năm 2016 có đến 31 lô hàng vi phạm vệ sinh ATTP của các nước và bị báo động “đỏ”.
Gần đây nhất, EU có văn bản khẳng định các lô hàng thủy sản của một số DN Việt Nam bị nhiễm chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Thông báo từ văn bản này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo chất lượng thủy sản xuất khẩu. Liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP đối với thủy sản xuất khẩu, bà Hoàng Mai Vân Anh- cán bộ Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNDO) cho biết, Việt Nam xếp trong nhóm 3 quốc gia có số lượng sản phẩm thuỷ sản bị từ chối nhập khẩu cao nhất vào 4 thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và Úc.
Lý giải về tình trạng này, bà Hoàng Mai Vân Anh khẳng định, nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến thủy sản Việt bị các thị trường khó tính từ chối.
Sân chơi cho mặt hàng thủy sản sẽ thênh thang hơn từ các hiệp định thương mại, thế nhưng kèm theo đó là hàng loạt quy chuẩn, tiêu chuẩn khắt khe hơn ra đời bắt buộc nhà xuất khẩu thực hiện. Đơn cử đối với thị trường EU, EU đưa ra chuẩn chung của sản phẩm thủy sản nhập khẩu là phải đạt GlobalGap trong khi thủy sản Việt Nam mới đạt chất lượng VietGAp.
Vấn đề hiện nay đang đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thông qua các chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn, không sử dụng hoá chất phụ gia ngoài danh sách cho phép.
Tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sản xuất theo dây chuyền hiện đại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Về phía quản lý nhà nước cần rà soát và thống nhất các quy định hiện hành. Bởi vì nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Cùng một mối nguy mất ATTP nhưng xác định nguyên nhân lây nhiễm và cách xử lý không giống nhau dẫn đến ngăn chặn mối nguy không hiệu quả.
Song song với quy định quản lý, cần xây dựng lộ trình cho một hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới của Việt Nam phù hợp với thông lệ của EU nói riêng và quốc tế nói chung. Trường hợp cứ bất nhất về chất lượng như hiện nay thì thủy sản Việt Nam sẽ thua các đối thủ khác.